Tập đoàn Hoa Sen tròn 12 tuổi: Một chặng đường nhiều dấu ấn

Cập nhật: 08-08-2013 | 00:00:00

Ngày 8-8-2013, Tập đoàn Hoa Sen tròn 12 tuổi. Một chặng đường chưa dài đối với một tập đoàn, một thương hiệu mạnh xuyên quốc gia, nhưng đủ để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của tập thể Hoa Sen cũng như người lèo lái con thuyền giữa biển lớn. Nhìn lại chặng đường phát triển của Tập đoàn Hoa Sen từ ngày đầu thành lập đến nay để thấy được giá trị ở một doanh nghiệp (DN) Việt, ở đó có những giá trị cao hơn tiền bạc.

Từ “nhụy” đến “hương”

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ thường nói với cánh báo chí rằng “nghề của tôi là bán tôn”. Bắt đầu khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, ông Vũ mở cửa hàng mua bán tôn lẻ tại ngã tư An Sương, TP.HCM. Sau đó việc kinh doanh có nhiều chuyển biến thuận lợi, ông đã đầu tư một máy cán tôn cũ bằng cách mua trả góp rồi tự cắt tôn, đi bán lẻ khắp nơi... Đó là những kỷ niệm một thời chập chững bước vào nghề của ông chủ ngành tôn thép hiện nay.

Dây chuyền sản xuất tôn tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Năm 2001, ông Vũ cùng cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Hoa Sen tại Bình Dương, tiền thân của Tập đoàn Hoa Sen hiện nay, với số vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, chỉ vỏn vẹn 22 nhân viên và 3 chi nhánh phân phối, bán lẻ trực thuộc. Trải qua 12 năm, đến nay con số ấy đã tăng chóng mặt với hàng ngàn nhân viên, hàng trăm chi nhánh phân phối và doanh thu hàng năm đạt trên 10 ngàn tỷ đồng. Sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà con vươn ra thị trường quốc tế và đã có mặt tại hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Để trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và khu vực trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Tập đoàn Hoa Sen đã xây dựng một chiến lược phát triển bền vững dựa trên giá trị cốt lõi “Trung thực, cộng đồng và phát triển”, với triết lý kinh doanh: “Chất lượng sản phẩm là trọng tâm, lợi ích khách hàng là then chốt, thu nhập nhân viên là trách nhiệm và chia sẻ cộng đồng là nghĩa vụ”.

Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen tập trung vào các sản phẩm truyền thống như tôn, thép, nhựa trên cơ sở xây dựng và phát triển chuỗi lợi thế cạnh tranh gồm: quy trình sản xuất, kinh doanh khép kín, hệ thống phân phối - bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, chuỗi thương hiệu mạnh, thân thiện và hướng đến cộng đồng, hệ thống quản trị và văn hóa DN đặc thù, đồng thời tiên phong đầu tư đổi mới công nghệ để mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Trong thời điểm khủng hoảng, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất thì Tập đoàn Hoa Sen đã có bước tăng trưởng ngoạn mục, doanh thu 12 tháng đầu niên độ tài chính 2011-2012 đạt 10.086 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng (vượt 145% chỉ tiêu), sản lượng tiêu thụ đạt hơn 452 ngàn tấn, chiếm hơn 40% thị phần cả nước. Nối tiếp thành công đó, kế hoạch sản xuất, kinh doanh niên độ tài chính 2012- 2013 của Tập đoàn Hoa Sen được đưa ra với sản lượng tiêu thụ 541.800 tấn, doanh thu 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng.

“Vượt cạn”

Trong 12 năm xây dựng và phát triển, không phải lúc nào cũng thuận lợi, có những thời điểm Tập đoàn Hoa Sen gặp không ít khó khăn, có thể ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là thời điểm DN chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới cách đây 3 - 5 năm về trước. Theo ông Vũ, năm 2008 ít nhất có 2 lần Tập đoàn Hoa Sen rơi vào tình thế khó khăn nhất. Thời điểm từ tháng 6 đến tháng 12- 2008, giá thép đang ở mức 1.100 USD/tấn bỗng rớt xuống 400 USD/tấn do khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng, điều đó tạo áp lực lớn đến tập thể cũng như cá nhân người đứng mũi chịu sào. Sản phẩm không xuất được nhưng các khoản nợ vẫn phải trả cộng thêm tâm lý con người thường dao động trong khó khăn. Trong tình thế đó, Tập đoàn Hoa Sen đã nhanh chóng quyết định giải phóng hàng tồn kho nhằm cắt lỗ và ổn định tinh thần của nhân viên, công nhân lao động.

Sau thành công đó, năm 2010 Tập đoàn Hoa Sen quyết định mở rộng đầu tư xây dựng nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ. Tuy nhiên, khi vừa triển khai xây dựng thì lãi suất ngân hàng bắt đầu “nhảy múa”, khiến mọi chi phí tăng cao, thêm vào đó thị trường chứng khoán lại lao dốc. Trong khó khăn ấy, người ta vẫn thấy ông chủ Tôn Hoa Sen ngày đêm ngược xuôi trên công trường đang ngổn ngang để đẩy nhanh tiến độ công trình, góp phần tiết giảm chi phí.

Khó khăn lại chồng khó khăn, đầu năm 2011, ông Vũ phát hiện có tiêu cực trong nội bộ của tập đoàn. Vừa đối phó với thử thách từ thị trường bên ngoài vừa phải giải quyết vấn đề nội bộ, nếu không có giải pháp đúng sẽ dễ dàng thất bại. Tuy nhiên, qua thời gian ngắn, tất cả khó khăn đều được khắc phục, Tập đoàn Hoa Sen “vượt cạn” thành công, chứng minh cho chiến lược và bước đi đúng đắn của mình.

Sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng và doanh thu xuất khẩu của tập đoàn trong những năm qua đưa Hoa Sen trở thành một trong những DN xuất khẩu tôn hàng đầu Đông Nam Á. Sản phẩm của tập đoàn đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc. Ở Hoa Sen, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế còn có những mục tiêu mang giá trị vô hình khác. Nói như ông Vũ, “Hoa Sen vẫn tiếp tục một cuộc chơi mang tính trường tồn với những giá trị cao hơn tiền bạc”.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên