Tập trung đầu tư để thương mại - dịch vụ phát triển bền vững hơn

Cập nhật: 01-01-2011 | 00:00:00

Ngành thương mại Bình Dương đã có bước phát triển đáng kể và đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao, nhưng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để đưa lĩnh vực thương mại, dịch vụ (TMDV) phát triển bền vững. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền đã có những chia sẻ với báo Bình Dương về vấn đề này.

Trong năm 2010, tổng mức bán lẻ ước thực hiện trên 44.130 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2009. Các hoạt động xây dựng, phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Ngành công thương và các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chợ, siêu thị, TTTM. Do đó, năm 2010 là năm có nhiều kết quả nhất trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TMDV, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

TMDV phát triển, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn điểm mau sắm thích hợp (Trong ảnh: Một góc Siêu thị Metro Bình Dương)

- Phóng viên: Đâu là những tồn tại đã nhìn thấy, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Điền: Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) tại Bình Dương còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nó. Cụ thể, đối với chợ, công tác tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng quản lý chợ chưa được đầu tư, cùng với đó là các DV hỗ trợ cho tiểu thương như tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng, cách nhận biết các sản phẩm thật, giả... cũng chưa được tổ chức. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường tại các chợ chưa tốt; sản phẩm bày bán ở chợ chưa có độ an toàn vệ sinh  thực phẩm cao, cùng với đó là việc kinh doanh hàng kém phẩm chất, hàng gian, hàng giả chưa được khắc phục căn cơ. Văn hóa ứng xử trong kinh doanh, cung cách phục vụ vẫn là những cản ngại trong quá trình xây dựng văn minh TM...

Đối với siêu thị, TTTM, mặc dù hàng hóa phong phú, đa dạng, văn minh TM thực hiện khá tốt nhưng do chi phí khá cao nên giá hàng hóa thường cao hơn so với yêu cầu. Mặt khác, hệ hống siêu thị, TTTM chỉ đạt tiêu chuẩn loại II và III, mức độ đầu tư thấp, hoạt động còn đơn điệu, chưa có những sản phẩm chuyên ngành....

- Theo bà, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn cần theo định hướng nào?

- Những năm vừa qua, ngành TM Bình Dương đã có bước phát triển đáng kể và đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đến nay, có rất nhiều yếu tố mới sẽ tác động đến sự phát triển TM của cả nước và Bình Dương. Do đó, đòi hỏi phải xây dựng quy hoạch phát triển ngành trong những năm tiếp theo.

Trên cơ sở kết quả đạt được và khắc phục những vấn đề còn yếu kém nêu trên, chúng ta sẽ hoạch định lại hệ thống chợ, siêu thị, TTTM, đồng thời tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển lĩnh vực này mạnh hơn.Trong đó, đầu tư phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM phải gắn với quy hoạch, kêu gọi những dự án có hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan, Một vấn đề nữa là tiến hành quy hoạch, khuyến khích việc phát triển những khu phố bán hàng, các chuỗi cửa hàng nhỏ mang tính chất chuyên doanh, chuyên ngành, dần tiến tới hình thành các khu mua sắm tập trung, đạt chuẩn... nhằm rút ngắn thời gian lưu thông, bảo đảm cho hàng hóa được cung ứng ra thị trường với số lượng và chất lượng tốt nhất.

Song song đó, tiếp tục triển khai Nghị định 114 của Chính phủ về vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn một cách nhanh chóng, không chỉ kêu gọi về xã hội hóa, mà những vùng khó khăn Nhà nước phải tập trung đầu tư nhằm tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển TMDV ở nông thôn.

Đây là những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bởi lẽ việc tổ chức thực hiện đòi hỏi phải đồng bộ, cần có thời gian và lộ trình thích hợp. Vừa kết hợp giải pháp trước mắt, vừa xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

- Xin cảm ơn bà.

TRÚC HUỲNH

 

Trong năm 2010, đã đưa vào sử dụng 6 chợ (trong đó nâng cấp 4 chợ, xây mới 2 chợ) nâng số chợ đầu tư theo quy hoạch là 83 chợ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 siêu thị (không tính 5 siêu thị chuyên doanh); 5 TTTM với quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn loại II và III. Ngoài ra, hiện có 7 dự án siêu thị, TTTM đang đầu tư và 7 dự án đã được UBND tỉnh cấp phép nhưng chưa triển khai. Bên cạnh còn có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng phân phối bán lẻ, showroom mang lại hiệu quả cao góp phần phát triển TMDV của địa phương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên