Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng

Cập nhật: 13-04-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Đường ĐT744: Thi công chậm do chưa có tiếng nói chung!

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung vừa dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh. Điểm dừng chân đầu tiên là tuyến đường ĐT744, đây là công trình có số người chết khá cao trong quá trình thi công (5 người), số hộ khiếu nại dây dưa kéo dài nhiều và còn nhiều điểm vướng mắc chưa thống nhất giữa địa phương, chủ đầu tư với người dân...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung (thứ hai từ phải sang) đến kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường Nguyễn Chí Thanh – ĐT744

 Quá nhiều vướng mắc

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở GTVT Nguyễn Đình Lời cho biết: Tuyến đường ĐT744 từ ngã ba Suối Giữa đến km32+00 có tổng chiều dài 32km gồm 4 dự án là: Dự án nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc địa phận TX.TDM, có chiều dài 6km. Đến nay cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn 4 hộ khiếu nại về hành lang bảo vệ đường bộ và đã giao cho TX.TDM tổ chức giải phóng mặt bằng nhưng hiện vẫn chưa xong, gây tốn kém, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Đề nghị tỉnh cho phép nghiệm thu tạm thời phần đường đã hoàn thiện, phần còn lại sẽ tổ chức nghiệm thu sau; Dự án xây dựng mới cầu Ông Cộ do còn trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ dự án nên chưa phát sinh vướng mắc! Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT744 từ cầu Ông Cộ đến km12 dài 6km (thuộc địa phận xã Phú An, huyện Bến cát), còn vướng 69 hộ, do tranh chấp nội bộ, không đồng ý về giá, chưa thống nhất diện tích giữa thực tế và GCNQSDĐ. Trên tuyến cũng còn 13 trụ điện, người dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa chịu di dời; Dự án nâng cấp mở rộng đường ĐT744 từ km12 - km32 dài 20km (thụôc địa phận xã An Tây) đang trong giai đoạn kiểm kê áp giá đền bù kết hợp thi công ủi quang mặt đường. Vướng mắc tại dự án này chủ yếu do kiểm kê còn thiếu sót và do phát sinh chênh lệch giữa đất thực tế với GCNQSDĐ...

Chưa sát thực tế

Sau phần báo cáo của đại diện chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, Trưởng đoàn kiểm tra hỏi lại: 4 hộ trên đường Nguyễn Chí Thanh tại sao cứ dây dưa kéo dài mà không đưa ra hướng giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết hoặc xử lý chỗ này thì có tác dụng đẩy nhanh tiến độ các chỗ khác hoặc có lây lan ảnh hưởng gì không? Ông Lời trả lời ngay “thưa có”! Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung kết luận nhanh: Như vậy, phải củng cố chắc chắn hồ sơ và có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp cố tình dây dưa, đòi hỏi vô lý để làm gương. Chủ tịch UBND tỉnh hỏi tiếp: Cầu Ông Cộ bao giờ xong? Đại diện chủ đầu tư trả lời theo văn bản là phải chỉnh sửa nhiều lần, trình hội đồng thẩm định. Chưa đồng ý, ông Cung hỏi tiếp: Tiếp tục trình như vậy thì tới ngày nào mới khởi công? Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án thì tiến độ này đến tháng 5 mới xong hồ sơ, sau đó sẽ tiến hành đấu thầu theo quy định. Ông Cung nhắc: Phải thay đổi cách làm, năng động hơn để các công trình phúc lợi xã hội sớm đi vào hoạt động, chứ làm theo kiểu này sẽ mang tiếng “làm công trình thế kỷ”!

Không đồng tình với bản báo cáo, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Cát Nguyễn Hữu Chí phát biểu: “Nói dân Bến Cát khiếu nại về hành lang bảo vệ đường bộ nhiều, gây ảnh hưởng tiến độ thi công là không đúng. Hàng tuần huyện đều tổ chức giao ban, có mời Ban Quản lý Dự án Sở GTVT đến dự để nắm bắt tình hình, cái nào vướng tại địa phương thì địa phương hỗ trợ giải quyết, cái nào thuộc thẩm quyền cấp trên thì kiến nghị để cùng nhau tìm cách tháo gỡ, nhưng chúng tôi mời hoài mà không thấy ai đến dự. Con số mà Ban Quản lý Dự án đưa ra là đúng nhưng thực tế thì không phải vậy vì trong số đó có đến 46 hộ đang vay vốn ngân hàng, GCNQSDĐ của bà con hiện đang thế chấp tại ngân hàng thì không thể nào làm thủ tục áp giá được. Người dân cũng không thể làm việc này vì số tiền bà con đã vay ngân hàng đến vài trăm triệu đồng, nhận bồi thường chỉ vài chục triệu làm sao bà con lấy sổ về được”? Chủ tịch UBND xã Phú An Nguyễn Văn Tuấn trình bày tiếp “ Báo cáo như vậy là không đúng, chuyện dây dưa kéo dài, khó giải quyết là do nhầm lẫn trong kiểm kê, áp giá. Có hồ sơ đã kiểm kê áp giá xong mà không có tiền, dân cầm hồ sơ lên xuống Ban Quản lý dự án mấy bận để hỏi lý do vì sao thì các anh trả lời “nghệ thuật lắm”! Qua đó cho thấy con số mà Ban Quản lý dự án đang nắm là đúng, nhưng cụ thể từng nhóm đối tượng, vấn đề là chưa sát thực tế. Chủ tịch UBND xã, huyện tuy không phải là cấp dưới của ngành giao thông nhưng vì nhiều lý do tế nhị khác nhau mà ít ai dám nói thẳng, nói thật, trừ khi có đoàn kiểm tra với đầy đủ thành phần như thế này...

Chuyện khó nói

Quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Cát Nguyễn Hữu Chí nói tiếp: Từ khi thi công tuyến đường đến nay đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó ít nhất đã có 5 người thiệt mạng! Chưa kể nhiều vụ việc nhỏ lẻ khác cũng gây bức xúc trong dân, bà con trực tiếp gọi điện báo huyện rất nhiều lần như việc bàn giao mặt bằng xong thì đơn vị thi công đưa xe đến đào đất chở đi đâu không biết, để lại lỗ hang nguy hiểm, hỏi chừng nào làm thì không ai trả lời? Đoạn đường phía trước chợ Thùng Thơ không biết giải toả để làm gì mà không thi công, làm bụi đất bay mù trời, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, an toàn giao thông của người đi đường. Còn chuyện 13 trụ điện dân đã nhận tiền mà chưa di dời là vì dân chỉ nhận tiền bồi thường trụ điện chứ chưa có phần tiền công di dời. Dây trên trụ còn đang có điện thì làm sao dân dám tự ý làm. Muốn làm phải đợi cắt điện và phải là người của điện lực làm mới tránh được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”?

 Nhằm giải thích cho nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông gây chết người, Giám đốc Sở GTVT Trần Văn Thấy lý giải: “Xét nguyên nhân từng vụ tai nạn giao thông đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do tai nạn xảy ra trong lúc công trình đang thi công, chứ nguyên nhân tai nạn đã được công an kết luận là do lỗi chủ quan như say rượu tự gây tai nạn, chạy quá tốc độ khi đi vào công trường đang thi công, xe chở quá tải gây tai nạn...”. Bí thư Đảng ủy xã An Tây Nguyễn Anh Dũng tiếp lời: “Khiếu nại là có nhưng không đến nỗi vì phần lớn bà con chỉ nói miệng. Địa phương yêu cầu bà con có chuyện gì không hài lòng thì làm đơn nêu rõ lý do, yêu cầu cụ thể thì cơ quan chức năng mới có cơ sở giải quyết, nhưng có thấy ai gửi đơn gì đâu. Cụ thể như trường hợp sắp tiến hành cưỡng chế tới đây ở ấp An Thành. Chủ hộ thì nói có giấy của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đền bù, nhưng kêu cung cấp thì lại im lặng lờ đi... Tại sao khi họp thì dân đồng tình mà khi đưa phương tiện đến làm thì dân không cho? Cái này không thể đổ lỗi cho dân địa phương hay lãnh đạo xã được, vì khi họp thì lãnh đạo xã đứng ra vận động thuyết phục, hứa với dân. Đến khi làm các anh làm một mình, không có chúng tôi, dân không cho làm là tại ai?”.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Bá Luận rút kinh nghiệm: “Sở sẽ làm việc lại với Ban Quản lý dự án để cử ra cán bộ thật am hiểu công việc, gần gũi với dân, quan hệ tốt với các đơn vị hữu quan về “nằm vùng tại địa phương” để cùng làm việc, cùng hợp tác tháo gở kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công trình”.

DUY CHÍ

Kỳ 2: Tháo gỡ nút thắt

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên