UBND tỉnh đã có kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022. Theo đó, các cơ quan Nhà nước phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra; đồng thời thấu hiểu, chia sẻ và kịp thời giải quyết các vướng mắc, bức xúc của nhân dân, của tổ chức và cá nhân trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)…
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công tại UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một
Chủ động cải thiện Chỉ số PAPI
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2022, yêu cầu các sở, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2022 tăng bậc so với những năm trước.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI.
Các cơ quan Nhà nước phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra. Kế hoạch phải được triển khai rộng khắp và đồng bộ ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị, thành phố; xã, phường, thị trấn; đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá đúng thực trạng, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện các chỉ số nội dung, nội dung thành phần thuộc Chỉ số PAPI, trong đó tập trung trọng điểm tại các xã, phường, thị trấn.
Tăng cường tuyên truyền
UBND tỉnh yêu cầu toàn tỉnh tăng cường các kênh truyền thông, hình thức truyền thông, thời lượng truyền thông, tần suất truyền thông tới cộng đồng, tới các khu vực dân cư, tới tận người dân. Trong đó, cần phát huy hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền truyền thống, trực quan, như: Truyền hình, sách, báo, đài truyền thanh, panô, khẩu hiệu, bảng tin, tờ rơi. Kết hợp tuyên truyền trực tiếp qua hội họp, hội nghị, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt của các tổ chức xã hội, thông qua họp khu phố, tổ nhân dân tự quản...
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt đẩy mạnh khai thác các hình thức tuyên truyền hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin tới từng nhóm đối tượng và từng khu vực dân cư cần tuyên truyền, như: Báo điện tử, các mạng xã hội, các ứng dụng trên các thiết bị điện tử thông minh qua Zalo, Facebook, ứng dụng chuyên dùng, cổng thông tin điện tử của địa phương… Trong công tác thông tin, tuyên truyền chú trọng sự chủ động, kịp thời, chính xác, thiết thực có tính định hướng dư luận trong công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin. Trong đó, cần tăng cường cách thức truyền thông hai chiều, có sự tương tác với người dân; chỉ dẫn cách thức, địa điểm, thời gian tiếp cận thông tin; hướng dẫn người dân xử lý thông tin.
Những việc cần làm ngay
UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch, chủ động tổ chức thực hiện nhằm phát huy được sự đồng thuận, tham gia, ủng hộ; cải thiện đánh giá của người dân; góp phần cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trên các nội dung cụ thể, như: Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 76/ NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025; tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong việc phục vụ nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân về những kết quả, những nỗ lực của chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, thực hiện dân chủ cơ sở; các luật, nghị định, văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong thực hiện dân chủ, nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến Chỉ số PAPI, đặc biệt là việc công khai, minh bạch của cấp chính quyền cơ sở. Song song đó là thực hiện đúng, đủ về công khai, minh bạch các nội dung thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã trong giải quyết những vướng mắc của người dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân; nhanh chóng tổ chức đối thoại trực tiếp và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định cơ chế, chính sách; tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương và của tỉnh.
Kế hoạch cũng nêu rõ việc phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân; tăng cường các hình thức nắm thông tin, nắm bắt ý kiến đánh giá của người dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương; nghiêm túc thực hiện quy định về đối thoại giữa chính quyền và nhân dân, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, đối thoại với tổ chức, công dân về giải quyết TTHC; tăng cường mở rộng dân chủ trực tiếp, nhất là ở các lĩnh vực mới, phức tạp; tạo điều kiện để nhân dân tham gia công tác xây dựng chính quyền, tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, đơn giản hóa, công bố, công khai đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện việc kết nối liên thông bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến liên hệ giải quyết công việc có liên quan; nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích thiết yếu cấp cơ sở, như: Y tế công lập, giáo dục; cải thiện cơ sở hạ tầng căn bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: Điện, nước sạch, giao thông, quản lý rác thải, an ninh trật tự; nghiêm túc trong công tác quản trị môi trường; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững; nỗ lực hơn nữa trong công tác quản trị điện tử; hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện tốt trách nhiệm phản hồi đối với ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua cổng thông tin điện tử.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cải thiện các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC ở các cơ quan hành chính Nhà nước; đặc biệt chú trọng các TTHC chứng thực, xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các dịch vụ hành chính cấp xã. Trong quá trình thực hiện phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng kiểm tra đột xuất; trong đó xác định địa bàn ưu tiên huyện, thị, thành phố; chú trọng địa bàn kiểm tra trực tiếp tới tận UBND cấp xã, khu phố, ấp, tổ nhân dân tự quản…
HỒ VĂN - NGUYỄN HIẾU