Tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học

Cập nhật: 19-08-2022 | 08:45:50

 Mỗi năm Bình Dương tăng khoảng 25.000 học sinh (HS) ở các cấp học. Số HS tăng cao nên nhu cầu trường, lớp học cũng theo đó tăng lên. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương cùng chính quyền các địa phương đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, tu sửa trường, lớp học, bảo đảm cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ tốt công tác dạy và học.

 Hệ thống trường học tại Bình Dương ngày càng được đầu tư khang trang, sạch đẹp để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Trong ảnh: Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, TX.Bến Cát được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại

 Nỗ lực bảo đảm cơ sở vật chất

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, CSVC các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại. Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị, trường học trên địa bản tỉnh có số HS/ lớp vượt cao so với quy định. Nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học. Đặc biệt, nhiều trường thực hiện dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1 gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 về thời gian, thời lượng học tập và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

Nhiệm vụ năm học mới này sẽ còn nặng nề hơn các năm học trước khi chương trình giáo dục mới tiếp tục được phủ rộng hơn. Ngoài HS lớp 1, lớp 2 và lớp 6, sẽ có thêm HS lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tiếp cận với chương trình mới này. Năm học 2022-2023, Bình Dương có 742 trường, tăng 11 trường với tổng số HS các cấp học từ mầm non đến THPT dự kiến tăng thêm 29.922 em so với năm học 2021-2022.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng việc dân số tăng nhanh hàng năm dẫn đến gia tăng áp lực về mọi mặt đối với địa phương, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người lao động. CSVC trường học dù được xây mới và bổ sung hàng năm nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng theo quy định chuẩn số học sinh/lớp, số lớp/trường của Bộ GD-ĐT nên một số trường TH phải dạy vào thứ bảy. Vì vậy, bước vào năm học mới, công tác xây dựng mạng lưới trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học luôn được ngành và các địa phương quan tâm.

Để khắc phục tình trạng trên, trong năm học vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường CSVC, thiết bị dạy học. Các trường mầm non công lập trong tỉnh được bảo đảm đủ đồ chơi ngoài trời, các bộ đồ chơi tăng cường phát triển kỹ năng vận động cho trẻ. Các trường phổ thông bảo đảm đầy đủ thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT có kế hoạch tiếp tục đầu tư các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại giúp HS tiếp cận công nghệ 4.0; đầu tư phòng STEM để đáp ứng yêu cầu dạy học theo phương pháp trải nghiệm, sáng tạo. Toàn ngành hiện có 97 trường công lập được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho phòng học dùng chung, đạt 25,19%; 54 trường phổ thông công lập có phòng học STEM, đạt 20,30%.

Hiện nay, toàn tỉnh có 63/175 công trình trường học đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 24 công trình đang thi công, 30 công trình được lên danh mục và 4 công trình hoàn thành… Đến tháng 8-2022, toàn tỉnh có 20/24 công trình trường học được hoàn thành phục vụ khai giảng và 4/24 công trình đang thi công, với tổng mức đầu tư các công trình trường học là hơn 2.000 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đầu tư xây dựng trường học, đầu năm học 2022-2023, toàn ngành có 381 phòng học tăng thêm; 100% trường học kiên cố, trong đó có 315/392 trường, trung tâm công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 80,35%. Ngành GD-ĐT cũng đã triển khai mua sắm tập trung các thiết bị tối thiểu lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm 2021 với tổng kinh phí mua sắm hơn 69 tỷ đồng.

Đẩy mạnh xã hội hóa

Bên cạnh nguồn ngân sách hàng năm của tỉnh trích ra thì một trong những điểm nhấn của ngành GD-ĐT tỉnh là công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhờ vậy, quy mô trường lớp không ngừng được mở rộng với nhiều loại hình như trường công lập, dạy nghề, các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Đến nay, công tác XHHGD của tỉnh được duy trì và phát huy hiệu quả. Hiện tại, toàn tỉnh có 339/731 trường ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 46,38%. Trong đó, mầm non có 323 trường, TH có 3 trường, THCS có 4 trường và 9 trường THPT. Có thể thấy công tác XHHGD, đặc biệt là giáo dục mầm non được các địa phương thực hiện khá tốt với tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm khoảng 73% trên tổng số trường mầm non trên địa bàn. Mạng lưới trường, lớp mầm non ngoài công lập phát triển đều khắp các địa phương, nhất là những vùng có nhiều khu công nghiệp như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên… đã góp phần giải quyết vấn đề trường lớp mầm non cho con em công nhân lao động và góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.

Quy mô đầu tư cơ sở giáo dục ngoài công lập của tỉnh hiện nay được phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh việc tham gia XHHGD của các nhà đầu tư trong nước, công tác đầu tư giáo dục của nhà đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bình Dương đang có những chuyển biến tích cực để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em chuyên gia nước ngoài và người dân.

“Dù chịu áp lực lớn về gia tăng số HS cơ học, phòng ốc xây thêm hàng năm chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập nhưng chất lượng giảng dạy của tỉnh luôn được cải thiện và từng bước nâng cao, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới toàn diện của ngành GD-ĐT. Ở các địa phương như TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát, dù hàng năm chịu nhiều áp lực gia tăng HS ngoài tỉnh nhưng nhờ chủ động có kế hoạch phát triển trường lớp, các địa phương bảo đảm đủ chỗ học cho HS trong năm học mới”.

(Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

 HỒNG PHƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=417
Quay lên trên
X