- Xin ông cho biết Nghị định 41 có những điểm nổi bật gì so với Quyết định 67?
- Tín dụng ngân hàng là một trong những công cụ quan trọng được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm để phát triển NNNT đối với một nước nông nghiệp truyền thống như nước ta. Với sự ra đời của Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ NNNT đã đạt được một số kết quả. Dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực NNNT đã được khơi thông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân...
Thực tế hơn 10 năm thực hiện, Quyết định 67 đã thật sự là một công cụ quan trọng để Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai và đưa các chính sách tín dụng NNNT đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình triển khai quyết định bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành nghị định cho phù hợp với tình hình đất nước sau 10 năm phát triển. Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ NNNT thay thế Quyết định số 67. Nghị định số 41 ra đời đánh dấu một sự thay đổi quan trọng chính sách của Nhà nước đối với tín dụng NNNT và về cơ bản, đã khắc phục được những bất cập của Quyết định số 67 sau hơn 10 năm thực hiện.
- NHNN Chi nhánh Bình Dương đã tổ chức triển khai chính sách này ra sao, thưa ông?
- Đối với các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn, cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 67. Theo đó, đã quán triệt tinh thần Nghị định 41 và đồng thời triển khai Thông tư số 14 và triển khai lập kế hoạch thực hiện nghị định trên theo hướng rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Xây dựng thủ tục cho vay theo hình thức có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm theo hướng thuận tiện, đơn giản, phù hợp với đối tượng vay, mức cho vay đối với khách hàng trong lĩnh vực NNNT. Các TCTD thực hiện đa dạng hóa hình thức huy động vốn, chính sách khuyến khích tổ chức và người gửi tiền theo quy định của pháp luật và bố trí vốn vay phục vụ NNNT trên địa bàn theo tỷ lệ thích hợp. Ngoài ra, các TCTD trên địa bàn có kế hoạch phát triển mạng lưới phòng giao dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn phù hợp với tình hình hoạt động, tập trung huy động và bố trí nguồn vốn hợp lý cho vay phục vụ NNNT...
NHNN sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn về mở phòng giao dịch của các TCTD tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị định 41 và xử lý những sai phạm cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm giúp việc triển khai thực hiện nghị định tốt hơn.
- Những biện pháp cụ thể nào để đưa nguồn vốn đến kịp thời, đúng đối tượng, thưa ông?
-Căn cứ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào năm 2006-2010 và những năm tiếp theo, NHNN Chi nhánh Bình Dương đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu và giải pháp trọng tâm như các TCTD trên địa bàn căn cứ nguồn vốn huy động để bố trí tỷ lệ vốn hợp lý để phục vụ cho vay, phấn đấu dư nợ cho vay chiếm 18%/tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh tín dụng NNNT theo hướng bố trí đủ vốn để giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng có phương án, dự án phù hợp, hiệu quả, các dự án đầu tư theo chủ trương chung của Chính phủ và của tỉnh; xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng NNNT năm 2010 và đến năm 2015, cân đối bố trí đủ vốn và áp dụng lãi suất phù hợp. Đặc biệt, các TCTD trên địa bàn cân đối và tiếp tục xem xét điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay NNNT xuống theo mức lãi suất cho vay giảm dần. Các TCTD trên địa bàn cũng chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện cho vay tín chấp đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình theo quy định trên cơ sở bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. NHNN Chi nhánh Bình Dương cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay cho NNNT bảo đảm an toàn, hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (thực hiện)