Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) được ngành công thương triển khai đa dạng, linh hoạt, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng trong việc kết nối cung cầu thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hội nghị kết nối giao thương Đông Nam bộ năm 2023, một trong các hoạt động kết nối giao thương cho các DN trong tỉnh
Đa dạng các hình thức
Đánh giá hoạt động XTTM như “bà mối” góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, hoạt động XTTM của tỉnh ngày càng có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức triển khai. Nếu trước đây, công tác XTTM vẫn chỉ làm theo phương thức truyền thống thông qua việc tổ chức các hội chợ, hội nghị, triển lãm... thì trong khó khăn của kinh tế toàn cầu, hoạt động này đã được triển khai đa dạng, kết hợp linh hoạt trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dưới dạng số hóa.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương về công tác XTTM thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, sau dịch bệnh Covid-19 ngành công thương đã triển khai nhiều chương trình XTTM lớn, như: Chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, cấp khu vực, hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP... Qua đó, giúp các nhà sản xuất, cung ứng của nhiều địa phương kết nối với hệ thống phân phối, các đơn vị thu mua phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, thông qua chuỗi chương trình xúc tiến có tổ chức các hội thảo nâng cao năng lực chuyển đổi số trong XTTM, hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn đã hỗ trợ DN, nhà cung ứng đa dạng kênh phân phối.
Về công tác XTTM thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, ngành công thương cũng triển khai hàng loạt chương trình như tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, đón các nhà nhập khẩu vào Bình Dương mua hàng, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín trên thế giới, tổ chức hội nghị mang tầm quốc tế tại Bình Dương... Đặc biệt, các hoạt động XTTM trực tuyến, kết hợp trực tiếp tiếp tục được tổ chức đã góp phần quan trọng, hỗ trợ DN đạt kết quả xuất khẩu tích cực trong thời gian qua.
Năm 2023, thị trường thế giới sẽ còn nhiều thách thức khó lường; cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng tăng... Trong bối cảnh đó, công tác XTTM được ngành công thương tích cực triển khai ngay từ đầu năm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm địa phương, kết nối giao thương mang tầm khu vực và quốc tế.
Đứng ở góc độ quản lý, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công thương), đánh giá cao sự phối hợp và đồng hành của tỉnh Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ cũng như các tỉnh trên cả nước thời gian qua trong triển khai công tác XTTM, xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ DN của tỉnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh. Hàng hóa xuất khẩu Bình Dương đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế và đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho XTTM quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm để giữ vững, phát triển thị trường và kim ngạch xuất khẩu.
Tận dụng ưu thế
Theo ông Vũ Bá Phú, Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp phát triển trong vùng Đông Nam bộ; xúc tiến thu hút đầu tư, thương mại đứng thứ 2 cả nước. Trong đó, DN đầu tư nước ngoài chiếm 1/3 tổng số DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh Bình Dương là thị trường mà DN có nhu cầu tìm kiếm đối tác, khách hàng để liên kết hợp tác, cung ứng nguồn nguyên phụ liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đây chính là cơ hội lớn để các DN Bình Dương chuyển mình, đẩy mạnh đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước, phát triển xuất khẩu .
Theo ông Huỳnh Thanh Trung, Ban XTTM Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì “thời gian qua, UBND tỉnh, ngành công thương đã tạo điều kiện cho hiệp hội tổ chức hội chợ mang tầm quốc tế, tạo môi trường kết nối các DN trong và ngoài nước. Về phía DN cũng tích cực, chủ động, hưởng ứng tham gia các chương trình XTTM của tỉnh cũng như của Bộ Công thương. Đồng thời, các DN đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc nắm bắt thị hiếu thị trường. Đối với các DN ngành gỗ, thông qua các hội chợ đã đa dạng thêm một số sản phẩm như đồ gỗ nội - ngoại thất, và sản xuất thêm các sản phẩm khác…”.
Phía lãnh đạo ngành công thương khẳng định nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tìm thêm thị trường mới cho DN sở tham mưu thêm với UBND tỉnh một số giải pháp. Trước hết, phối hợp với Bộ Công thương, cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài thực hiện nhiều chương trình XTTM trong nước cũng như nước ngoài. Từ đó, để hỗ trợ DN kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đồng thời ký kết thêm các đơn hàng xuất khẩu mới, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nội địa giảm tồn kho cho DN.
Các DN cần tiếp tục tăng cường liên kết ngành để hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất khép kín, phát triển sản xuất xanh, chuyển đổi số, tăng nội địa hóa nhằm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước có lợi thế cạnh tranh thuộc các khối mà Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, như: CPTPP (Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương: Đáng chú ý, nếu như trước đây, các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở những phân khúc hàng hóa cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. Sở Công thương tạo điều kiện để các DN kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành nghề, DN, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, những quy định, chính sách mới của các nước, đặc biệt là những quy định, chính sách liên quan đến kinh tế xanh, thương mại xanh. Tất cả nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, DN phát triển xuất khẩu. |
TIỂU MY - ANH TUẤN