Giá đất là chủ đề nóng được các doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm, vì vậy Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo hướng khắc phục được những bất cập, tồn tại trong chính sách, pháp luật hiện hành về giá đất hiện nay.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương, 190 điều với điểm nhấn nổi bật nhất đối với đất sử dụng có thời hạn thì đất nông nghiệp trước đây thời hạn là 20 năm nay tăng lên 50 năm; thời hạn sử dụng của các loại đất khác cũng được điều chỉnh. Bên cạnh đó, hạn mức giao đất (hạn điền) về cơ bản không thay đổi mấy so với luật hiện hành, tuy nhiên hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp được quy định là không quá 10 lần hạn mức. Ngoài ra, việc xác định giá đất được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay, hạn chế tình trạng kiện cáo của người dân do mức đền bù không thỏa đáng khi tiến hành các dự án đầu tư liên quan đến việc thu hồi đất đai.
Đất ở an sinh và phát triển công nghiệp tại Bình Dương Trong ảnh: Cổng chào Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước III (Bến Cát)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định bảng giá đất ban hành và công bố vào ngày 1-1 hàng năm. Bảng giá đất được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh khi giá đất thị trường có biến động tăng hoặc giảm 20% so với bảng giá đất. Trường hợp chưa điều chỉnh kịp bảng giá đất, định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tiến tới xây dựng bảng giá đất theo các vùng giá trị, giá đất chuẩn và áp dụng công nghệ tin học trong việc xây dựng, cập nhật, quản lý giá đất do Nhà nước quy định và giá đất thị trường. Quy định cụ thể cơ chế xây dựng giá đất và thẩm định giá đất theo nguyên tắc cơ quan xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là hai cơ quan độc lập; quy định cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất; xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất. Kiện toàn cơ quan định giá đất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giá đất của cơ quan chuyên môn, các tổ chức định giá đất độc lập nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong công tác định giá đất.
Trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị định của Chính phủ sẽ quy định chi tiết về phương pháp xác định giá đất, khung giá các loại đất và giá đất tại khu vực giáp ranh. Về việc định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, dự thảo quy định khu vực giáp ranh có cùng điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng và có cùng mục đích sử dụng thì được phân thành một vùng giá trị đất. Căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất và giá đất chuẩn thuộc các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố để ban hành giá các loại đất tại khu vực giáp ranh. Đối với những nơi chưa có giá đất chuẩn thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố, việc xây dựng giá đất tại khu vực giáp ranh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất.
Có thể nói, việc quy định giá đất khu vực giáp ranh nhằm góp phần giải quyết một trong những bất cập lớn hiện nay, là giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh có điều kiện gần tương tự nhau nhưng giá đất bồi thường lại có sự chênh lệch lớn dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Mặt khác, để làm tốt công tác định giá đất trong điều kiện hiện nay còn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, từng bước loại bỏ hình thức thanh toán các giao dịch về QSDĐ bằng tiền mặt, thanh toán các giao dịch qua hệ thống ngân hàng. Qua đó khắc phục tình trạng giao dịch “ngầm”, giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế, minh bạch hóa thu nhập có được từ việc sử dụng đất, cũng như các khoản chi phí đã đầu tư để tạo ra thu nhập đó; đồng thời sử dụng có hiệu quả công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo lập nguồn cung về đất đai phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, nhu cầu của người dân và sử dụng chính sách thuế hợp lý để điều tiết thị trường bất động sản phát triển ổn định.
HIỂU TRÂN