Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa. Trong đó, công tác tuyên truyền pháp luật được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông trên các tuyến sông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa kiểm tra, nhắc nhở người đi đò mặc áo phao bảo đảm an toàn. Ảnh: QUỲNH ANH
TP.Thuận An hiện có 6 xã, phường tiếp giáp với sông Sài Gòn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông - vận tải đường thủy và du lịch. Cùng với đó là bến đò ở xã An Sơn chuyên chở khách qua lại giữa TP.Thuận An và quận 12, TP.Hồ Chí Minh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tình hình trật tự ATGT đường thủy và an ninh trật tự. Thời gian qua, các ngành chức năng TP.Thuận An đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về ATGT đường thủy nội địa đến các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2017 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền được 270 cuộc về ATGT đường thủy gắn với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, thu hút gần 28.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tổ chức 225 cuộc xuống trực tiếp bến phà Bình Nhan (xã An Sơn) để hướng dẫn cho trên 4.300 lượt người dân sử dụng áo phao và dụng cụ nổi đúng cách.
Song song đó, Ban ATGT TP.Thuận An còn duy trì hoạt động mô hình tự quản “Liên quân 3 màu áo” gồm lực lượng công an, Ban Chỉ huy Quân sự và Đoàn Thanh niên. Nhiệm vụ trọng tâm của mô hình là vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt quy định pháp luật về ATGT đường thủy nội địa; nâng cao ýthức cảnh giác, cótinh thần đấu tranh, tốgiác tội phạm, không đểđối tượng xấu lợi dụng sông nước đểhoạt động phi pháp. Đối với chủ phương tiện thì cần phải mua sắm phương tiện an toàn, bê tông hóa đường lên, xuống tại bến đò, trang bị đủ các phương tiện cứu hộ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của hành khách...
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, trong 5 năm qua (2017-2022), các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới. Nhờ đó, tình hình tai nạn giao thông đường thủy trên tuyến sông qua địa bàn được kiềm chế, chỉ xảy ra 1 vụ làm 2 người chết, 2 phương tiện hư hỏng (giảm 14 người chết so với 5 năm liền kề). Qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, biết cách xử lý tình huống khi có tai nạn hoặc sự cố xảy ra trên sông nước.
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết nhằm bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, từ đầu năm đến nay lực lượng Cảnh sát giao thông đã thực hiện 30 ca tuần tra kiểm soát với 92 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Kết quả, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, lập biên bản 28 trường hợp vi phạm về TTAT đường thủy nội địa, tạm giữ 5 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, 3 giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, 1 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện với các lỗi: Quá vạch dấu mớn nước an toàn; không sơn vạch dấu mớn nước an toàn, 2 trường hợp không bằng thuyền trưởng. Ngoài ra, thực hiện kế hoạch của đoàn kiểm tra liên ngành về việc kiểm tra trật tự ATGT đường thủy cấp cơ sở tuyến sông Trung ương địa bàn tỉnh, đoàn tiến hành kiểm tra 10 bến, trong đó 6 bến thuộc tuyến sông Đồng Nai, 4 bến thuộc tuyến sông Sài Gòn. Qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản 2 trường hợp không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định và bến neo đậu thuyền xây dựng công trình trái phép dọc bờ sông Sài Gòn. Đoàn liên ngành đã tiến hành cho chủ các bến đò, bến cảng ký cam kết bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. |
N.HẬU - Q.ANH