(BDO) Năm học mới 2021-2022 là năm học đặc biệt, bởi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn phức tạp tại nhiều địa phương. Do đó, học trực tuyến được xem là giải pháp phù hợp nhất để năm học mới được chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, để các lớp học trực tuyến được diễn ra thuận lợi, ngành giáo dục đang khẩn trương triển khai nhiều việc làm cần thiết…
Còn nhiều lo lắng
Ghi nhận cho thấy, trước tình hình hiện nay, công tác dạy và học ở tất cả các trường đều gặp khá nhiều khó khăn.
Một trong số đó, có thể thấy là việc dạy học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên. Do đó, khi bắt buộc phải triển khai thực hiện đã có không ít giáo viên gặp nhiều khó khăn, lúng túng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả.
Học trực tuyến sẽ thay thế hình thức học trực tiếp trong 2 tháng đầu của năm học 2021-2022
Riêng đối với học sinh, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình chi phối phần lớn đến hoạt động học trực tuyến của các em. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng trang bị được thiết bị cần thiết để cho con em mình học tập.
Chị Đinh Thị Thanh Loan, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Phú Hòa 1, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Hiện tôi đang làm tại một công ty ở TX.Tân Uyên, thực hiện theo phương thức “3 tại chỗ” nên hơn một tháng mới được về nhà một lần, mỗi lần chỉ được 2-3 ngày. Vì vậy, con gái phải gửi ông bà ở quê trông hộ từ khi thực hiện giãn cách đến giờ. Do nhà không có nối mạng internet nên việc học trực tuyến của cháu rất khó khăn, phải sang nhờ ở nhà hàng xóm. Tuy nhiên, bữa được, bữa mất. Hiện tôi đang liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của bé xin dữ liệu bài học để in ra, rồi nhờ shipper gửi về cho cháu học. Trước mắt là vậy, nhưng sắp tới thì không biết thế nào…”.
Linh hoạt hình thức, khắc phục khó khăn
Thông qua các hoạt động, sáng kiến, thử nghiệm trong quá trình thực hiện, những bất cập, khó khăn đang được các giáo viên dần khắc phục, mang đến sự tích cực trong hoạt động giảng dạy trực tuyến.
Nhiều trường học thường xuyên sử dụng giáo viên có kinh nghiệm để tập huấn, chia sẻ kiến thức cho các giáo viên khác ở trường về phần mềm dạy học trực tuyến có hiệu quả như Zoom, Google Meet, K12 online... Mỗi khối lớp thành lập tổ nhóm cùng môn để thống nhất nội dung dạy, bài giảng gửi đến các em học sinh trước khi vào tiết giảng trực tuyến. Bên cạnh đó, là việc chuẩn bị nội dung bài dạy dưới hình thức Powerpoint để trình chiếu tạo hiệu ứng để học sinh chú ý hơn.
Học sinh tại các “vùng xanh” sẽ có phương án học “7 phần” tại trường và “3 phần” trực tuyến
Cô Trần Cẩm Mỹ, giáo viên Khối 3, Trưởng Tiểu học Phú Hòa 1, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Hiện chúng tôi đã xây dựng nội quy lớp học để thông báo đến các em học sinh lớp mình dạy, đặc biệt là hướng dẫn các em tự học ở nhà. Giáo viên đang sử dụng nhiều kênh thông tin để tiếp nhận phản hồi từ phụ huynh và các em học sinh về tình hình tự học của các em trong thời gian học trực tuyến. Đồng thời, luôn động viên, khuyến khích các em học dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho các em tiếp cận được kiến thức kịp thời….
Cùng với hoạt động của đội ngũ giáo viên, Ban giám hiệu các trường trong thời gian này cũng đã có những hoạt động để kịp thời hỗ trợ cho giáo viên trong công tác giảng dạy trực tuyến, như: giải quyết cho giáo viên mượn laptop; cử giáo viên có kinh nghiệm cài đặt phần mềm sử dụng, tạo nhóm cùng chia sẻ cách sử dụng…
Riêng đối những học sinh khó khăn về sách giáo khoa , thiết bị học tập trực tuyến, từng điểm trường có những hoạt động hỗ trợ khác nhau.
Cô Diệp Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: do địa bàn Phường Hiệp Thành áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ cuối tháng 6, nên việc tuyển sinh lớp 6 hoàn toàn trực tuyến. Để chuyển sách giáo khoa đến các em học sinh lớp 6 trong địa bàn, trường sắp xếp từng bộ sách và phối hợp với lực lượng dân quân, tình nguyện viên của phường đưa đến tận nhà cho các em học sinh theo từng khu phố. Bên cạnh đó, trường đã lên kế hoạch tặng sách cho học sinh khó khăn, mồ côi cha mẹ. Đến nay, nhà trường đã gửi tặng 4 bộ sách giáo khoa mới lớp 6 đến tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng các khối 7,8,9 trường cũng đã có nguồn sách quyên góp của năm học trước để tặng cho các em khi có danh sách từ giáo viên chủ nhiệm…
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Sở Giáo dục và Đào tạo đã lên nhiều phương án cho các trường để các đơn vị có thể chủ động xây dựng phương án dạy học. Trong đó, đặc biệt là chủ trương dạy học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm. Đối với việc học trực tuyến, qua nắm bắt tình hình, cho thấy hầu hết học sinh trên địa bàn tỉnh có thể học được bằng hình thức này. Với khối THPT là trên 90%. Đối với các khối còn lại, có khoảng 70% các em có thể học trực tuyến. Riêng đối với những trường hợp còn khó khăn trong việc học trực tuyến, Sở đã lên kế hoạch để khai thác các khoảng thời gian vàng (thời gian học tập trực tiếp) để hỗ trợ cho các em qua học phụ đạo, dạy bù cho các em những kiến thức trong thời gian học tập trực tuyến không thể tiếp cận. Đối với các điểm trường có thể tổ chức học tại chỗ, việc học trực tuyến có thể được giãn cách và một số em gần điểm trường có thể đến để học tại trường. Đối với các học sinh trong khu phong tỏa hay điều kiện khó khăn mà nhà trường có thể tiếp cận được phụ huynh, học sinh, Nhà trường sẽ gửi văn bản, bài học giấy đến trực tiếp học sinh, để các em không bị mất kiến thức trong quá trình thực hiện học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm. Riêng đối với các điểm trường tại khu vực “vùng xanh” vừa trở lại giai đoạn “bình thường mới”, tùy vào địa phương có thể xây dựng phương án học trực tiếp 70% tại trường và 30% học trực tuyến. Sở đã giao sự chủ động cho các trường, dựa trên tình hình thực tế địa phương, các trường sẽ có sự tham mưu phương án dạy học hợp lý và hiệu quả nhất. |
Bình Minh - Công Khanh