Tập trung triển khai, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP

Cập nhật: 17-08-2023 | 08:56:50

Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023, Bình Dương phấn đấu ít nhất có 80 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó có ít nhất 23 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên trên địa bàn các xã đạt chuẩn và thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên.


Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp đặc trưng huyện Bắc Tân Uyên

Tạo sự lan tỏa mạnh mẽ

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay Bình Dương đã công nhận 88 sản phẩm OCOP; trong đó có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 78 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Qua chương trình đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo.

Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3631/KH-UBND ngày 19-7- 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành liên quan triển khai toàn diện các nội dung Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 theo hướng nâng cao hiệu quả. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đăng ký, đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng Chương trình OCOP và kế hoạch của UBND tỉnh.

Ông Văng Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Chi cục Phát triển nông thôn vừa phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn phần mềm chấm điểm Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương cho các cán bộ quản lý, điều hành các cấp tham gia vào quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Thông qua hội nghị này nhằm hỗ trợ cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP các cấp tuân thủ quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt hiệu quả, chất lượng, rõ ràng, minh bạch hồ sơ tham gia của chủ thể; đồng thời, tạo điều kiện cho cơ quan các cấp lưu giữ, chuyển hồ sơ một cách có hệ thống.

Đồng bộ các giải pháp

UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố xác định việc thực hiện chương trình là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời căn cứ chức năng của ngành, lĩnh vực quản lý tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả. Mặt khác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế của địa phương gắn với giá trị cộng đồng. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ tỉnh đến địa phương (cấp huyện, xã). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của các địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm...

Phấn đấu có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 50% các ngành nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, có chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Phấn đấu có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu, số hóa 100% hồ sơ, tài liệu sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng sản phẩm.

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1020
Quay lên trên