Đầu tư công là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế đang gặp khó khăn, việc giải ngân kế hoạch đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình điều hành kế hoạch vốn đầu tư công phải hết sức linh hoạt, nếu không đủ phải có phương án huy động các nguồn hợp pháp theo đúng quy định hoặc tiếp tục cắt, giảm, giãn tiến độ các dự án chưa thật sự bức xúc, bảo đảm ưu tiên tập trung vốn cho các công trình trọng điểm. Đó là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 và các năm còn lại của giai đoạn 2021-2025.
Công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn gần giao lộ Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, sau khi nhận tiền đền bù người dân khẩn trương di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công
Ưu tiên vốn cho công trình trọng điểm
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ công tác điều hành, bố trí vốn đầu tư công phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, trọng tâm, không dàn trải, chống lãng phí, bảo đảm bố trí đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các công trình trọng điểm. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đúng quy định, nhưng phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2023, thi công hoàn thành dứt điểm, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư công, tạo dư địa, không gian phát triển mới cho những năm tiếp theo.
Về nguồn vốn đầu tư, trong quá trình điều hành kế hoạch vốn đầu tư công phải hết sức linh hoạt, nếu không đủ phải có phương án huy động các nguồn hợp pháp theo đúng quy định hoặc tiếp tục cắt, giảm, giãn tiến độ các dự án chưa thật sự bức xúc, để bảo đảm ưu tiên tập trung vốn cho các công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn của từng dự án, để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn sang các dự án khác có khả năng hấp thụ vốn cao hơn. Nghiên cứu giải pháp thông báo phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong tháng 6-2023 để các chủ đầu tư có phương án chuẩn bị hồ sơ thủ tục và xây dựng kế hoạch giải ngân hết số vốn được bố trí nhằm cải thiện tình trạng vướng mắc hiện nay.
Công trình Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đang nỗ lực hoàn thành 100% khối lượng để sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đồng bộ các giải pháp
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu cuối năm 2023 hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; tháng 6-2023 khởi công đường Vành đai 3; cuối năm 2023 khởi công Vành đai 4 và đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… Đồng thời giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị, thành phố thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều hòa vốn một cách linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định, quyết tâm giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công đã bố trí trong năm 2023.
Giao Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên lắng nghe, cho chủ trương về việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công do cấp mình quản lý trong năm 2023 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trên cơ sở sự cần thiết đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung bố trí vốn mang lại hiệu quả đầu tư.
Tại kỳ họp thứ 9 (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa X đã thống nhất đề xuất thực hiện Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành và chủ trương đầu tư đường Vành đai 4. Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đầu tư theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ cầu Khánh Vân đến ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước (dài khoảng 45,6km), đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến). Riêng đoạn từ Vành đai 3 đến cầu Khánh Vân giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc Dự án ĐT743 và ĐT747B. Giai đoạn 2 đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc từ đường Vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước. Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), có điểm đầu tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh với đầu cầu Thủ Biên thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên. Điểm cuối tuyến tại cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX.Bến Cát. Tổng chiều dài khoảng 47,85km, vận tốc thiết kế 100km/giờ... |
MINH DUY - PHƯƠNG LÊ