Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên

Cập nhật: 09-08-2023 | 09:12:09

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tỉnh Bình Dương chỉ ở mức 3,63% so với mục tiêu dự kiến 14-15% trong năm 2023. Để đẩy nhanh dòng vốn hướng vào kinh doanh, ngành ngân hàng đang triển khai thêm nhiều sản phẩm vay vốn dành cho doanh nghiệp (DN) ở các lĩnh vực ưu tiên.

 Ngành ngân hàng Bình Dương còn dư địa khoảng 10% để tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm nay. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank Bình Dương

 Vẫn chịu áp lực lãi suất

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho DN, người dân được thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng từ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là đã có 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Tuy vậy, hiện nhu cầu vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước vẫn đang ở mức thấp.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu nội địa có dấu hiệu suy yếu khi tiêu dùng của hộ gia đình tăng khá chậm (2,68%) so với cùng kỳ năm 2022. Điều này dẫn tới nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân giảm mạnh, các DN thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn, dẫn đến không có động lực vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.

Nhìn từ phía cung tiền tệ, các ngân hàng thương mại hiện nay cũng đang gặp phải tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi các khách hàng sẵn sàng vay thì có rủi ro tín dụng cao, các ngân hàng e ngại giải ngân. Ngược lại, đối với khách hàng, DN vay có lịch sử tín dụng tốt, có nhu cầu vay vốn ngắn và trung hạn để duy trì hoạt động lại không kham nổi lãi suất vay cao.

Bà Nguyễn Thới Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH Đông Tây, cho biết hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN chưa đáng kể nên việc phải trả lãi suất vay cao sẽ là gánh nặng tài chính rất lớn. Hiện lãi suất trung dài hạn ở mức 10%/năm nên DN vay gặp rất nhiều khó khăn. “Vì vậy, các ngân hàng cần có cái nhìn thoáng hơn, thẩm định tài sản thế chấp sát thực tế hơn để giúp DN có thêm dòng tiền trang trải với chi phí thấp hơn nữa”, bà Bình nói.

Hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng

Tuy tăng trưởng tín dụng đang tăng chậm nhưng gần cuối năm là thời điểm thị trường bắt đầu sôi động, các DN tăng cường sản xuất, chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và triển khai kế hoạch cho năm mới. Do đó, đa số DN đều có nhu cầu lớn về vốn để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Nhận thấy rõ nhu cầu, bên cạnh các giải pháp điều hành tiền tệ, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và chỉ đạo các TCTD gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của DN sản xuất, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.

Bà Ngô Thị Thủy, Giám đốc Truyền thông Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVbank), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, BVbank đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực để chia sẻ với khó khăn với người dân và DN. Cụ thể, BVbank đã triển khai gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay bổ sung vốn (từ 0,5%- 2%/năm) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gói lãi suất cho vay đặc biệt 10,5% dành cho khách hàng cá nhân… BVbank cũng đã giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tín dụng khác.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương, cho biết hiện BIDV được NHNN chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023 và ngay lập tức triển khai trên toàn hệ thống nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DN. Ngoài ra, BIDV chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ - có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vietinbank Chi nhánh Bình Dương cũng đang triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho DN khởi nghiệp. Bởi gói ưu đãi được các DN đánh giá cao và nguồn vốn ưu đãi lãi suất được hấp thụ tốt. Trên cơ sở đó, Vietinbank tiếp tục gia tăng quy mô gói ưu đãi lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm. Đây là một chính sách nhằm hỗ trợ DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Bên cạnh dành nguồn vốn tín dụng lớn, các ngân hàng thương mại còn chủ động triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn như tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - D N. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, sản phẩm tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đây là các chương trình, chính sách ưu đãi nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu trong năm nay.

 THANH HỒNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=862
Quay lên trên