Tuy mới đầu mùa, song dấu hiệu về một mùa khô khốc liệt đã hiện hữu ở khu vực Tây Nguyên. Hàng chục ngàn hécta cây trồng nơi đây đang quay quắt trong hạn hán khiến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ruộng đồng khô khát
Dù đã sẵn sàng để “đối mặt” với hạn song cuối cùng gần 100ha ruộng nước tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đành phải bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Lãnh đạo huyện cho hay: Ngay từ đầu mùa khô, việc nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi, tưới nước luân phiên… đã được triển khai, song vẫn không “chống” nổi hạn. Đơn cử như tại 2 xã Sa Sơn và Sa Bình, ngay từ đầu mùa gần 30ha lúa đã hết nước tưới. Con số này đã và đang tiếp tục tăng nhanh, khi mà cái nắng như thiêu đốt vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt. Không chỉ thế, tại các địa phương này, hàng trăm giếng nước sinh hoạt đã cạn trơ đáy. Chủ tịch UBND xã Sa Bình Nguyễn Minh Thuận cho biết: “4 làng trong xã đang đứng trước nguy cơ đói giáp hạt vì hạn”.
Mực nước sông Ba đang xuống rất thấp.
Tình trạng tương tự cũng đang đe dọa nhiều cánh đồng lúa nước tại các huyện Chư Prông, Chư Pah, Chư Pưh và TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Khô hạn đã xuất hiện tại các xã Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Vê… của huyện Chư Prông từ trước Tết Nguyên đán. Trên 140ha lúa nước sạ sớm đã cháy trụi; toàn bộ 300ha lúa nước của cánh đồng Ia Lâu cũng đứng trước nguy cơ mất trắng. Dù đến muộn hơn, song đến thời điểm này, hạn hán cũng khiến hơn 200ha cây trồng tại huyện Chư Pưh và TP Pleiku không còn nước tưới; các cánh đồng tại các huyện Đăk Đoa, Ia Grai cũng đã xuất hiện khô hạn cục bộ. Tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai), vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai, nơi được hưởng lợi trực tiếp từ hồ Biển Hồ nhưng người trồng cà phê vẫn phải chở nước từ nơi khác về tưới cây.
Nông dân Phạm Văn Công lo âu: “Chúng tôi đang đối mặt với mùa khô khốc liệt nhất trong vòng 30 năm qua. Hiện gia đình phải thuê 3 xe tải chở nước về để cứu cây cà phê. Nhưng với mức chi phí quá lớn, khoảng 10 triệu đồng/ha, chúng tôi gặp nhiều khó khăn”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, hiện đã có ít nhất trên 1.000ha cây trồng ngắn ngày và trên 3.000ha cà phê buộc phải chịu “khát”. Và con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.
So với phía Bắc, các tỉnh Nam Tây Nguyên tuy chưa đến mức thiếu nước tưới, song hàng ngàn hécta cây trồng cũng đang đối diện với một năm khó khăn. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Nông, cho biết: “Ước tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh sẽ có khoảng 500ha lúa nước tại 2 huyện Krông Nô và Cư Jut không có nước tưới. Hơn 10.000ha cà phê của các huyện Đăk Mil, Cư Jut thiếu nước tưới 2 đợt cuối, còn các huyện Đăk R’Lấp, Tuy Đức thiếu nước một đợt”. Sở NN-PTNT tỉnh Đắc Lắc cũng đang tiến hành khảo sát tình hình khô hạn. Năm nay, toàn tỉnh có gần 4.000ha lúa nước không nằm trong kế hoạch và nếu xảy ra khô hạn, đây sẽ là diện tích bị thiệt hại đầu tiên.
Suối hồ cạn kiệt
Ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình thủy điện Yaly (tỉnh Gia Lai), cho biết: “Đến thời điểm này Yaly, hồ nước thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, có mực nước là 496m, chỉ cao hơn mực nước chết 6m, kiệt nhất so với 50 năm qua. Nếu các năm trước sản lượng điện 6 tháng đầu năm của nhà máy đạt 1,8 - 2 tỷ KWh, năm nay khả năng chỉ còn 1 - 1,1 tỷ KWh”.
Ở thượng nguồn Sê San, lòng hồ thủy điện Pleikrông (tỉnh Kon Tum), mực nước cũng chỉ bằng khoảng 60% của năm trước. Đánh giá của Trung tâm khí tượng - thủy văn tỉnh Kon Tum cho thấy, các dòng sông Đăk Bla, Pô Kô, 2 sông chính cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt của tỉnh, mực nước so với các năm giảm đến hơn 40%. Tại dòng Sêrêpôk (chảy qua 2 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông), sông “vợ” Krông Ana gần như đã kiệt. Còn tại thượng nguồn sông “chồng” Krông Nô, mực nước tại lòng hồ thủy điện Buôn Tua Sarh đã tụt xuống 1,4m so với mực nước dâng bình thường.
Theo ông Văn Thiên Nhân, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuôp: “Nếu không có đợt mưa cuối năm tại các tỉnh Nam Trung bộ, tình hình sẽ trở nên “bi đát” hơn rất nhiều”.
* Theo thông tin từ Đài Khí tượng, Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hiện mực nước ở các sông, suối khu vực Bắc Tây Nguyên như hệ thống sông Sê San, sông Ba thấp hơn mức trung bình các năm trước 0,4-0,6m. Trong những ngày tới, lượng mưa ở Tây Nguyên không đáng kể, nắng nóng còn trải dài trên diện rộng, khả năng hạn hán sẽ khốc liệt hơn hẳn các năm trước.
Theo SGGP