(Ảnh minh họa: Tường Quân/TTXVN.)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 9-19/3, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ chủ đạo ngày trời nắng, chỉ mưa một vài nơi về chiều tối.
Thời kỳ này đang là cao điểm xảy ra cháy rừng do ít mưa, nắng mạnh nhiều ngày và sẽ tiếp diễn hình thái thời tiết này trong những ngày tới khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao.
Theo Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 40 huyện, thị xã thuộc Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ cảnh báo cháy cấp 4-5. Ở những cánh rừng này đều không mưa, nắng khô lâu ngày, lớp thực bì đang khô dần dẫn đến rủi ro cháy cao.
Các huyện Sa Thầy, Đắk Hà, Kon Rẫy (Kon Tum); huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông); huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Cát Tiên (Lâm Đồng) đang có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 5-cấp cực kỳ nguy hiểm.
Nhiều huyện của các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Cà Mau, Kiên Giang... đang có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiệt hại có thể xảy ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chủ động thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể với từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, cơ sở.
Các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; luôn chủ động tốt phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng.
Các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã xây dựng, xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất để xảy ra cháy rừng, kịp thời xử lý, không để cháy rừng lan rộng.
Các đơn vị tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Vào những ngày nắng nóng, ở những cánh rừng có cảnh báo cháy cấp 4-5, người dân cần nâng cao ý thức không dùng lửa trong, gần rừng; xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát; đăng ký thời gian đốt thực bì để làm rẫy…
Dự báo các khu vực ngày 9/3: Phía Tây Bắc Bộ sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày trời nắng. Gió nhẹ. Sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, riêng Điện Biên, Lai Châu có nơi trên 28 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trời rét, trưa chiều hửng nắng. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ cao nhất 22-25 độ C, có nơi trên 25 độ C.
Khu vực Hà Nội có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trời rét, trưa chiều hửng nắng. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ cao nhất 22-24 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Sáng trời rét, phía Nam trời lạnh. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C, có nơi trên 26 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận trời nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 26-29 độ C, phía Nam 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng. Gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Nhiệt độ ở Tây Nguyên cao nhất 29-32 độ C. Nhiệt độ ở Nam Bộ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.
Trên biển, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục, vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông còn có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2,5-4,5m; Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2-3,5m./.
Theo TTXVN