Tết của người Việt ở Nga

Cập nhật: 13-06-2014 | 15:38:31

Chị Thu Hà, 36 tuổi, kinh doanh giày dép ở Trung tâm thương mại Mátxcơva (hay còn gọi là chợ Liu), cho biết từ nay cho đến trước ngày lễ đàn ông của Nga (23/2) và ngày quốc tế phụ nữ (8/3), không có hy vọng là hàng sẽ bán chạy trở lại. Vì thế, hai chị em nhà chị Hà đã mua vé máy bay về nước để được đón Tết con mèo ở quê nhà.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như chị Hà, cứ muốn về nước là đủ tiền mua vé ngay. Giá vé máy bay gần đến Tết âm lịch có thể tăng gấp rưỡi so với ngày thường do nhu cầu về Việt Nam dịp năm mới rất cao. Những chuyến bay theo hành trình Mátxcơva – Hà Nội, Mátxcơva – TP HCM luôn chật hết chỗ vào những ngày trước thềm năm mới, nhưng ở chiều ngược lại thì số hành khách chỉ chiếm già nửa khoang máy bay.

Những tiểu thương không mua vé về quê, số này chiếm đến cả chục nghìn người, cũng luôn biết cách tạo ra không khí tết đậm đà bản sắc quê hương ở nơi cách xa Tổ quốc.

Cháu Phạm Kim Oanh, 3 tuổi, đang sinh sống cùng bố mẹ tại Moscow và chụp ảnh bên cạnh những cành đào, cành hoa lan giả. Cháu Phạm Kim Oanh, 3 tuổi, đang sinh sống cùng bố mẹ tại Moscow và chụp ảnh bên cạnh những cành đào, cành hoa lan giả.

Các bà nội trợ luôn tìm được cho mình những thứ cần thiết tại các quầy bán đồ khô của người Việt tại một số Trung tâm thương mại hoặc "ốp" như ASEAN, Rưbắc. Nấm hương, mộc nhĩ, bánh đa nem, xu hào, cà rốt, bóng bì, măng khô, miến hành, dưa muối, nước mắm, lá dong, lá chuối… không thiếu thứ gì. Giò chả, bánh chưng, mứt tết cũng luôn sẵn sàng chờ đợi người mua, chỉ có điều đắt hơn nhiều lần so với ở Việt Nam.

Bánh chưng tuy không được đun nấu bằng củi nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi hương vị quê nhà. Có lẽ công đoạn luộc bánh chưng ở đây nhàn hơn rất nhiều so với ở nhà. Không cần phải lích kích bếp này, bếp nọ, không phải trông sao cho lửa đều thì bánh mới ngon. Ở đây, bắc nồi lên bếp ga hoặc bếp điện thế là xong. Nói tóm lại, ở Việt Nam có thực phẩm gì, ở Nga có cái đó. Ngay đến đào Nhật Tân, Phú Thượng nhiều khi cũng được bọc ni lông chở thẳng từ Hà Nội sang Matxcơva nếu ai đó có nhu cầu.

Gia đình anh Hoàng, chị Lan là một trong số ít người có được không khí Tết cổ truyền trong bối cảnh tuyết trắng xóa thủ đô Mátxcơva – đó là một cành đào Nhật Tân chính hiệu được chuyển từ Hà Nội sang mấy ngày trước đêm 30. Đã nhiều năm nay, anh chị giữ được điều thú vị hiếm hoi này. Tuy nhiên, những người không có điều kiện sở hữu hàng chính hiệu lại có sáng kiến độc đáo trong việc chơi đào tết.

Đại sứ Việt Nam tại Nga Bùi Đình Dĩnh trao lì xì mừng tuổi cho các cháu nhỏ tết Canh Dần. Đại sứ Việt Nam tại Nga Bùi Đình Dĩnh trao lì xì mừng tuổi cho các cháu nhỏ tết Canh Dần.

Sau hàng chục năm lăn lộn ở xứ sở Bạch Dương, người Việt ở Nga đã rút ra kinh nghiệm trong việc lựa chọn cành cây để làm cành đào, cành mai giả. Ai thích tiện lợi thì mua luôn cả cành và hoa giả. Người có thời gian thì đi vào rừng, tìm chọn những cành táo có nhiều nụ và chồi, chặt rồi mang về ngâm vào nước ấm một hai hôm là các chồi non thi nhau trồi ra, rồi lại gắn thêm những bông hoa đào giả vào, thế là đã có một cành đào thế tiêu chuẩn.

Mặc dù hoa giả có thể mua được ở chợ nhưng cũng có người khéo tay tự mình cắt giấy làm hoa giả. Giữa không gian phủ đầy tuyết trắng, những cành đào giả xem ra vẫn có giá trị đặc biệt, góp phần tạo nên không khí ấm cúng của Tết cổ truyền Việt Nam trên xứ sở Bạch Dương. Hoa đào, hoa mai tuy là giả nhưng lại có tác dụng làm giảm nỗi nhớ nhà của những người xa xứ.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên