Tết Đoan Ngọ trong ký ức tuổi thơ

Cập nhật: 06-06-2011 | 00:00:00

Vây quanh mẹ để ăn rượu nếp rồi mang dao ra vườn cùng bà, đứng dưới gốc nhãn vừa chặt vào thân cây vừa bảo: "Năm sau phải ra trái nhiều hơn nghe chưa". Tết Đoan Ngọ là dịp kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về với nhiều bạn trẻ.

Trên trang cá nhân của mình, bạn Lê Quỳnh Thu tâm sự: "Cứ sắp mỗi dịp mùng 5 tháng 5 là nhỏ Mai ca lại hồi hộp đếm từng ngày một, thích chí lắm vì vào dịp này sẽ được mẹ cho ăn rượu nếp thỏa thích".

  Bánh ú nước tro được làm từ nếp ngâm trong nước tro là món bánh thường được người Sài Gòn mua về cúng ngày tết Đoan Ngọ.

Kể về kỷ niệm của hơn 10 năm trước, khi chưa về đất Sài thành sinh sống, năm nào cũng vậy trước Tết Đoan Ngọ vài ngày mẹ Thu đã ngâm gạo. Vừa làm mẹ vừa giảng giải cho con gái cưng nghe: 'gạo phải lựa loại nếp còn nguyên cám chưa cà và hạt gạo phải thật đều, thật tròn'. Mẹ đơm mớ xôi gạo mới đồ còn nóng hôi hổi ra nong... "Xôi phải đồ sao cho khéo, vừa chín tới là bỏ ra tãi tơi, để thật nguội mới trộn men vào". 

Đứa con gái nhỏ nín thở dõi theo mẹ từng chút một để ghi nhớ, mẹ bóp men kỹ lắm. Loại men này mẹ phải đặt mua của một nhà quen chuyên nấu rượu bên cạnh cơ quan của mẹ, Thu vẫn còn nhớ là ở mạn dưới Lĩnh Nam thì phải. Tay mẹ trộn đều và rất cẩn thận nên món rượu nếp làm ra mấy anh em ăn bao nhiêu cũng không bao giờ biết chán, ngon và thơm nức mũi.

"Nay đón cái tết Đoan Ngọ thứ 7 trên đất Sài Gòn mà lòng ngùi ngùi chi lạ. Sớm ra chợ thấy ngập tràn bánh ú, bánh bá trạng và bó lá cây. Cũng bày bán cả rượu nếp nhưng người miền Nam gọi là cơm rượu. Loại này trắng thếch và vo tròn từng viên chẳng thấy tí tẹo mùi thơm nào thoảng qua mũi, lòng lại càng nhớ hơn đến những mẻ rượu nếp của mẹ năm xưa", Thu viết.

Cũng có những ngày mồng 5 tháng 5 đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, Thanh Nga, quê ở Long An, vẫn nhớ như in cảnh lon ton cùng mẹ đi tìm ít lá khuynh diệp, mớ lá sả, lá bưởi về cho vào nồi nấu rồi trùm mền xông cho cơ thể đổ mồ hôi và tẩy độc.

Còn Tuấn - chàng kỹ sư 32 tuổi quê ở Lái Thiêu, Bình Dương, Tết Đoan Ngọ không nồng mùi rượu nếp mà lại gắn liền với vườn măng cụt, gốc chôm chôm, nhãn long, mít tố nữ... Tuấn kể, năm nào cũng thế, cứ sáng mồng 5 tháng 5, cu cậu khi ấy mới 8 tuổi cùng hai người em của mình vác cái dao nhỏ xíu ra vườn vừa bắt sâu, tỉa cành cây khô vừa "hù dọa" những cây nào không chịu đơm hoa kết trái.

"Đêm trước đó thường do hồi hộp chờ đợi nên tận khuya mới ngủ. Đến sáng lại ngủ quên, thế nhưng bà gọi dậy là tỉnh ngay chứ không nằm nướng như mọi hôm. Rồi quần đùi áo thun vác dao ra vườn. Thích lắm cái cảnh trợn mắt đá vào gốc cây rồi vung dao chặt một nhát mạnh, gằn giọng: 'Có ra trái không thì nói cho ta biết. Không ta chặt cho mà chết'", Tuấn kể.

Công việc sau đó của anh em Tuấn là đi vòng vòng trong vườn cùng bà để tỉa những nhánh cây khô hoặc quét dọn lá cây khô thành đống rồi đốt. "Cuộc sống công nghiệp ở Sài Gòn khiến phong tục xưa dần mai một. Bây giờ để con cái có được hình dung về ngày sâu bọ, tôi vẫn thường kể về Tết Đoan Ngọ xưa và dặn vợ mua đủ cơm rượu, bánh ú, trái cây về cúng", Tuấn nói.

Xa rồi ngày Đoan Ngọ với vải, mận, dưa hấu, quất hồng bì, tô rượu nếp vàng óng thơm lựng ăn vào để diệt sâu bọ trong người (giun sán), hay cảnh vào vườn cây. Với Thu: "Mỗi dịp tết Đoan Ngọ đến là tôi cố giữ phong tục của quê nhà. Vẫn đi lùng mua hộp rượu nếp Bắc, mấy chùm vải Thiều và cân mận Hậu cúng ông bà. Biết là chẳng giống ai nhưng đau đáu tận đáy lòng chỉ muốn giữ lại cái hồn quê cũ".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=510
Quay lên trên