Theo Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT, hiện nay tình hình cung thực phẩm khá dồi dào, giá cả vẫn ổn định ở nhiều mặt hàng và sức mua có phần trầm lắng. Do đó, không lo bị khan thiếu thực phẩm dịp Tết Giáp Ngọ năm nay.
Phong phú, đa dạng các loại bánh kẹo, mứt tết tại chợ Bến Thành, TPHCM.
Nguồn cung dồi dào
Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện tại hầu như các mặt hàng thực phẩm đều bình ổn. Một nghịch lý so với mọi năm là năm nay giá thịt heo đang ở mức cao. Nguyên nhân là do từ khoảng tháng 9-2013 đến nay, các tư thương trong cả nước đều đổ xô thu mua heo để chở ra Lạng Sơn, Móng Cái - Quảng Ninh xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu của các thương lái Trung Quốc về loại heo mỡ và trọng lượng lớn rất cao. Tại cửa ngõ Lạng Sơn, ước tính mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở heo ngược lên biên giới để xuất tiểu ngạch. Cũng vì lẽ đó, giá thịt heo hơi đã tăng khá rõ, từ 35.000 - 36.000 đồng/kg lên 40.000 - 41.000 đồng/kg, thậm chí loại heo đẹp có thể bán giá 47.000 đồng/kg.
Trước thực trạng này, nhiều người lo ngại giá thịt heo tăng vọt vào dịp cuối năm sẽ kéo giá các loại thực phẩm lên. Đặc biệt là khi tư thương Trung Quốc đẩy mạnh thu mua loại heo mỡ. Tuy nhiên, giải thích về hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Mặc dù giá heo nhích lên nhưng giá các loại gia cầm năm nay lại khá rẻ. Giá các loại thực phẩm khác vẫn đang ở mức ổn định. Hiện nguồn cung thực phẩm đang khá dồi dào, nguồn có thể dư thừa”.
Theo Cục Chăn nuôi, mặc dù giá thịt heo có tăng nhưng cũng không quá “nóng” như năm 2012. Sở dĩ nguồn cung đang có dấu hiệu dư thừa vì trong 3 tháng cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng về sản lượng các loại thịt xuất chuồng cao hơn so với các tháng trước đó, đưa sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước đạt 4,3 triệu tấn. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng nhìn nhận, năm nay tình hình tiêu thụ thực phẩm ở nước ta khá ổn định và có phần trầm lắng. Bằng chứng là năm 2013, nhập khẩu thịt ngoại về nước ta đã giảm xuống chỉ còn 90.000 tấn (trong khi năm 2012 là hơn 100.000 tấn và do khan thiếu thực phẩm cuối năm nên phải nhập khẩu theo kiểu tình thế).
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện tượng tư thương đổ xô mua thịt heo mỡ cũng không đáng phải lo ngại. Bởi không chỉ ở Trung Quốc mà ngay như Mỹ, thị hiếu tiêu dùng bây giờ là người dân cũng chuyển sang dùng thịt heo có tỷ lệ mỡ cao, trọng lượng lớn. Và ngay ở nước ta, hiện người dân cũng không thích loại heo siêu nạc nữa.
Người dân mua sắm hàng tết tại Coop.Mart Cống Quỳnh.
Nỗ lực ổn định giá
Theo Bộ NN-PTNT, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của ngành chăn nuôi, đặc biệt là năm 2013 dịch bệnh xảy ra ít thì nhu cầu của thị trường cũng giảm do kinh tế còn khó khăn, đã làm giá nhiều mặt hàng thực phẩm chững lại. Thậm chí một số mặt hàng như gà công nghiệp, trứng gà cũng đang có dấu hiệu chững lại và giảm giá nhẹ. Thống kê từ Trung tâm Thông tin nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng cho thấy, giá thực phẩm trong nước ở tuần qua đã giảm nhẹ, khoảng 0,17% so với những ngày đầu tháng 1-2014. Ngoài ra, để giảm giá thành chăn nuôi, cũng cần kể tới động thái của Bộ NN-PTNT trong việc kiến nghị Chính phủ cho phép miễn thuế VAT đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhằm giảm giá thành chăn nuôi cho bà con nông dân. Trước mắt, đã có một số doanh nghiệp thực hiện việc liên kết với nông dân đưa thẳng thức ăn tới chuồng, trang trại, nên không phải mất thuế VAT, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Bộ NN-PTNT cho biết thêm, chăn nuôi trong nước đã có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, mặc dù giá cả vẫn chưa làm cho bà con nông dân thật sự có lãi. Ước cả năm 2013, đàn gia cầm có 314,7 triệu con, tăng 2,04% (trong đó đàn gà 231,8 triệu con, tăng 3,6%). Trứng và sữa tươi là những sản phẩm có tăng trưởng khá mạnh, lần lượt là 10,3% và 10,5%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 13,6 triệu tấn, tăng 7,1% so với năm 2012. Đàn trâu có 2,6 triệu con, giảm 2,6% so với năm 2012; đàn bò có 5,2 triệu con, giảm 0,7% (riêng bò sữa đạt 186.300 con, tăng 11,6%); đàn heo có 26,3 triệu con, giảm 0,9%. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, bên cạnh nỗ lực phục hồi chăn nuôi trong nước thì để bình ổn giá cả, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư, cũng cần có sự quản lý tốt của ngành công thương về mặt thị trường và công tác chống buôn bán nhập lậu để không ảnh hưởng tới nguồn cung và giá cả các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Theo Bộ Công thương, mặc dù tình hình buôn lậu vẫn âm ỉ dịp cuối năm. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng gần đây, gia cầm nhập lậu đã chững lại và giảm đáng kể. Tại khu vực cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, tình hình khá im ắng hơn so với mọi năm.
Theo sggp.org.vn