Tết ở Bình Dương trong lòng người nước ngoài

Cập nhật: 06-02-2024 | 11:30:36

Bình Dương nổi tiếng là vùng đất lành thu hút người lao động khắp mọi miền đất nước, trong đó có cả người nước ngoài đến sinh sống, làm việc. Có nhiều người đã gắn bó với Bình Dương hơn 10 mùa xuân và giờ đây đối với họ, đón tết Việt là một nét văn hóa rất đặc trưng, đong đầy tình cảm yêu thương của đất và người địa phương.


Gia đình cô Nguyễn Hamilton Karen vui đón tết Việt tại Bình Dương

Những cái tết sum vầy

Những ngày cuối năm bận rộn nhưng cô Nguyễn Hamilton Karen, Viện trưởng Viện Giao lưu Văn hóa quốc tế (trường Đại học Bình Dương), vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi để nói về chuyện tết Việt. Thật ngạc nhiên vì trong lần gặp gỡ, cô diện bộ áo dài Việt Nam duyên dáng. Chúng tôi còn bất ngờ hơn nữa vì khả năng nói tiếng Việt rất lưu loát của cô. Mang họ Nguyễn, lại nói tiếng Việt rất sỏi, tôi đinh ninh rằng cô có cha người Việt, mẹ người Mỹ nhưng sự thật cô là người Mỹ chính gốc, còn họ Nguyễn là họ của ông xã. Mối tình đẹp giữa cô sinh viên người Mỹ và chàng trai Việt tròn 30 năm trước đã đơm hoa kết trái, cô chọn ở lại Việt Nam, quyết định theo họ chồng “để cả hai tuy hai mà một”. Và đến nay họ đã có với nhau những người con, cùng đón 30 cái tết Việt sum vầy.

Cô Karen kể, trước đây cô làm việc tại trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, năm 2008, cô và ba người con của cô được mời về Bình Dương làm việc. Như vậy, trong suốt 30 năm sống ở Việt Nam, thì có đến nửa thời gian cô đã gắn bó với mảnh đất Bình Dương. Cô Karen bảo, được trải nghiệm ăn tết ở Sài Gòn rồi Vũng Tàu (quê chồng của cô) và Bình Dương, nơi nào cũng vui, thú vị và có những kỷ niệm đáng nhớ.

Cô Karen thích nhất là những ngày sắp tết, không khí thay đổi, có chút se lạnh, người người, nhà nhà thì tất bật chuẩn bị tết, phố xá đông vui, tấp nập. Ngày tết còn ấn tượng với cô khi được dạo quanh các con đường hoa. Cô bảo, rất ngạc nhiên khi hoa, trái cây được tạo hình đa dạng, bàn tay của người Việt thật khéo léo…

“Nhớ những ngày đầu khi về Bình Dương, đi chợ tết, mọi người cứ nhìn mình bằng ánh mặt lạ kỳ, bởi lẽ lúc đó ở Bình Dương chưa có nhiều người nước ngoài. Vì sống ở Việt Nam đã lâu nên nhiều lúc tôi cũng quên mất mình là người Mỹ, sực nhớ lại: À mình là người ngoại quốc mà. Hiểu ra vấn đề, tôi chào và nói tiếng Việt với họ, thế là mọi người đều vui vẻ, thân thiện”.

(Cô Nguyễn Hamiton Karen, Viện trưởng Viện Giao lưu Văn hóa quốc tế, trường Đại học Bình Dương)

“…thêm yêu vùng đất này”

Tết năm nay cũng đã tròn 10 năm anh Mahesh Madaiah, giáo viên dạy yoga ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An gắn bó với Bình Dương. Đối với anh Mahesh, nét độc đáo của tết Việt là thời khắc đón giao thừa. Đêm 30 tết, các gia đình thức đến 24 giờ rồi bày mâm cỗ ra làm lễ cầu nguyện cho một năm nhiều sức khỏe, làm ăn sung túc; thứ hai nữa là phong tục chúc tết, mừng tuổi, lì xì đầu năm mới, đặc biệt là dành cho trẻ con, bọn trẻ rất vui và hào hứng với những bao lì xì nhiều màu sắc.


Anh Mahesh du xuân tại Bình Dương

Anh Mahesh bộc bạch: “Sống ở Việt Nam cũng đã lâu nên tôi khá thân thiết với gia đình người Việt là chủ nhân của trung tâm yoga mà tôi đang làm việc. Khi gia đình có tiệc tùng, sinh nhật họ thường mời tôi đến chung vui và giúp đỡ tôi nhiều trong cuộc sống. Những lúc ốm đau một thân, một mình, gia đình họ cũng đưa tôi đi bệnh viện chữa trị. Đối với tôi họ là gia đình thứ hai khiến tôi gắn bó với Bình Dương đến tận hơn 10 năm”.

Theo anh Mahesh, khó khăn khi ở Việt Nam là về ẩm thực và ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng khá khó học. Bên cạnh đó, anh theo đạo Hồi, không ăn thịt heo, trong khi các món đặc trưng ngày tết đều có thịt heo (thịt kho tàu, khổ qua, bánh chưng, bánh tét, giò, chả…) nên anh cảm thấy lúc đầu chưa hòa nhập được. “Hiểu được điều đó, mỗi lần dự tiệc cùng gia đình người Việt, họ đều chuẩn bị cho tôi món ăn khác và tôi cũng có dịp được thưởng thức món bánh tét chay (bánh tét nhân đậu) do học viên tặng. Những điều đó làm tôi rất cảm kích và rất yêu quý người Việt Nam”, anh Mahesh chia sẻ.

Việt Nam - Trung Quốc hai nước láng giềng, văn hóa tết cổ truyền cũng có nét tương đồng, nên đối với vợ chồng chị Wang Ling (Vương Linh) và Zhang Biao (Trương Biểu) người Trung Quốc đang làm việc tại Bình Dương, ăn tết ở Việt Nam cũng giống như được ăn tết ở quê nhà. Theo chị Linh, chị rất thích sống ở Bình Dương bởi sự tiện nghi, khí hậu và con người thì rất hiếu khách. Chị Linh nói: “Ở Bình Dương, tôi may mắn gặp được cô bạn tốt bụng, khi tôi cần là cô ấy xuất hiện và giúp đỡ tôi mọi thứ…”.

Nói về kế hoạch đón Tết Nguyên dán Giáp Thìn năm nay, chị Linh cho biết: “Tôi sẽ cùng gia đình đi dạo quanh các con đường hoa ở Bình Dương, khám phá Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên những vùng sâu vùng xa của Bình Dương mà tôi chưa đến để tìm hiểu, để thêm yêu vùng đất này…”.

NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên