(BDO) Thời gian qua, công tác thả cá giống được ngành nông nghiệp Bình Dương tổ chức hàng năm trên các sông, hồ lớn như: Hồ Cần Nôm, Đập Phước Hòa… với nhiều loại cá có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao như: Cá trắm, trôi, mè, rô phi, diêu hồng, chép…
Tăng nguồn lợi thủy sản
Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tổ chức thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên hồ Cần Nôm (huyện Dầu Tiếng). Đây là chương trình hàng năm được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đều xây dựng Kế hoạch thả giống vào môi trường tự nhiên thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, chi cục tiến hành thực hiện công tác thả cá giống vào môi trường tự nhiên ở Hồ Cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Số lượng thả khoảng 400 - 500 kg cá giống các loại như cá tra, cá trắm cỏ, cá mè hoa, cá chép và cá trôi.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi và Thủy sản - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức với mục đích tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về thủy sản, khai thác bền vững; đồng thời, giữ gìn tính đa dạng sinh học. Mặt khác, thực hiện công tác phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các khu vực tự nhiên. Bổ sung nguồn lợi thủy sản trên hồ Cần Nôm, giúp các hộ dân quanh thủy vực sống bằng nghề khai thác thủy sản trên hồ được cải thiện đời sống.
Ngành chức năng và địa phương tổ chức buổi thả cá giống ở hồ Cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng với nhiều loại cá có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao
“Đây cũng hoạt động trọng tâm của ngành nông nghiệp tỉnh nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác thả cá giống tái tạo và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, ngành cũng thực hiện công tác khảo sát, đánh giá hiệu quả của công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản và nắm bắt tình hình khai thác, đánh bắt cá của người dân trên hồ Cần Nôm trong năm vừa qua. Qua đó, tổ chức thả các loài thủy sản truyền thống, có năng suất cao, phù hợp với điều kiện môi trường thủy vực tự nhiên, nhằm tái tạo và bổ sung vào môi trường tự nhiên”, bà Huỳnh Thị Kim Châu cho biết thêm.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh An, cho biết việc thả cá giống trên Hồ Cần Nôm nhìn chung đã mang lại hiệu quả, vì đây là nguồn thu nhập chính cho hơn 100 hộ đánh cá trên lòng hồ; đồng thời cũng đã cải tạo tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nơi đây, qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho việc tái tạo và phát triển nguồn thủy sản, xã có thành lập đội đánh bắt cá trên lòng hồ. Xây dựng các quy chế nhằm quy định trong đánh bắt cá, nhằm ổn định duy trì và phát triển đàn cá giống trên hồ. Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Nghiêm túc chấp hành Luật Thủy sản
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trước khi thả cá, chi cục đã có buổi làm việc với UBND xã Thanh An về địa điểm dự kiến thả cá giống và thống nhất loài cá sẽ thả cũng như các giải pháp đảm bảo được sự an toàn và phát triển của đàn cá sau khi thả.
Trên cơ sở thống nhất, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và UBND xã hỗ trợ lực lượng, phương tiện, dụng cụ thả cá giống và bảo vệ đàn cá ở Hồ Cần Nôm sau khi thả.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 323 ha với sản lượng chỉ 1.621 tấn, tuy nhiên công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản luôn được ngành chức năng quan tâm.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đều tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động tại các cơ sở kinh doanh thủy sản giống và thương phẩm nhằm chủ động phát hiện sớm, khống chế và không để lây lan các dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi; đồng thời lấy mẫu nước tại các ao nuôi, nguồn nước cấp nhằm quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu cho biết ngành thủy sản đóng một vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế, ngành thủy sản không chỉ giúp cung cấp thực phẩm, tạo nguồn dinh dưỡng, mà còn giúp tạo ra việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, vì nguồn lợi thủy sản là có hạn và các hoạt động thủy sản có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, cho nên pháp luật vẫn hạn chế nhất định với các hoạt động thủy sản.
Cùng với việc thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn kêu gọi người dân không sử dụng kích điện, thuốc nổ, hóa chất, nghề, ngư lưới cụ thuộc danh mục cấm để khai thác thủy sản; nghiêm túc chấp hành Luật Thủy sản cùng các quy định pháp luật hiện hành, trách nhiệm, tích cực tham gia chống khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, hướng dẫn người dân xử lý, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra, hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.
Thoại Phương - Kim Châu