Đam mê môn nghệ thuật này từ lúc nhỏ, nên ông Nguyễn Thanh Long quyết tâm theo học hội họa và tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn vào năm 1964. Từ đó, những bức tranh của ông ngày càng có “hồn”. Với sở trường vẽ tranh sơn dầu về chân dung nhân vật, nhiều tranh của ông đã được tham dự các cuộc triển lãm tại Sài Gòn. Sau đó, ông được tuyển vào dạy hội họa tại trường THPT Lý Thường Kiệt (Hóc Môn, Sài Gòn). Thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Thanh Long đang truyền nghề cho các họa sĩ nhí trong lớp học hội họa tại nhà
Sau giải phóng, Nguyễn Thanh Long tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé (sau này là CĐ Sư phạm Bình Dương, hiện là ĐH Thủ Dầu Một), rồi làm giảng viên Lý luận phương pháp giảng dạy khoa Nghiệp vụ Sư phạm tại đây.
Với những nỗ lực và nhiệt huyết trong hoạt động phong trào Đoàn - Hội của trường, nhất là về lĩnh vực hội họa, ông được trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương thỉnh giảng môn Trang trí nội thất từ năm 1980 đến 2010. Trong suốt hơn 40 năm làm nghề, ông đã ghi dấu ấn tên tuổi mình qua các công trình tại Bình Dương, đáng kể như: trang trí nội thất Nhà hàng nổi Bình Dương, trang trí xe hoa diễu hành trong các dịp lễ, tết… và nhất là góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, giáo viên mỹ thuật thành danh sau này tại Bình Dương như: Võ Hồng Cường, Phạm Chánh Hùng, Lê Văn Tài (Công ty CP Hưng Vượng), Lê Minh Hoàng (Phòng Giáo dục & Đào tạo TP.TDM), Trương Thị Cúc, Nguyễn Thị Kim Ngoan… Với những cống hiến trên, ông đã vinh dự được nhận huy chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2004.
Theo thầy giáo - họa sĩ Thanh Long, để trở thành họa sĩ thì người đó phải có tâm hồn lãng mạn, óc sáng tạo, thẩm mỹ nghệ thuật. Cái hay của người họa sĩ là giúp tái hiện quá khứ, đưa người xem vào miền ký ức (xe ngựa ở Chợ Thủ, gánh hàng rong…), mô tả hiện thực và thể hiện những ước mơ hoài bão của mình, của mọi người trong tương lai. Và hội họa góp phần hình thành nhân cách con người qua việc thể hiện: Đức - Trí - Thể - Mỹ trong tranh vẽ.
Đã nghỉ hưu, nhưng hiện tại ông vẫn rất nhiệt tình với các phong trào mỹ thuật thiếu nhi tại địa phương, từ việc tư vấn, định hướng thẩm mỹ nghệ thuật đến trực tiếp bồi dưỡng năng khiếu hội họa cho các em thiếu nhi, học sinh đam mê hội họa. Mỗi năm, lớp học hội họa tại nhà ông Nguyễn Thanh Long có khoảng 40% học viên đậu vào các ngành kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp tại các trường đại học ở TP.HCM.
Thầy giáo - họa sĩ Thanh Long thường khuyên các học trò: Làm việc gì cũng phải tập trung làm đến nơi đến chốn, không được chùng bước trước những khó khăn trở ngại; học vẽ không chỉ có năng khiếu là đủ mà đòi hỏi phải có ý chí. Để có một tác phẩm chất lượng, đi vào lòng người thì người vẽ phải đạt cảm xúc về chủ đề, phải biết thổi hồn vào tác phẩm và lột tả được những nét chân thực của sự vật, hiện tượng, con người…
Người giáo già chia sẻ: “Trong suốt những năm làm nghề, tôi tâm đắc nhất là truyền được đam mê và những kiến thức về hội họa đến với các em thiếu nhi. Nhìn thấy các tác phẩm hội họa nảy nở trên những trang giấy của các “họa sĩ nhí”, tôi thấy nó toát lên sự hồn nhiên trong sáng qua từng đường nét, màu sắc và bố cục”.
Tôi chỉ mong muốn sao cho mình có đủ sức khỏe để có thể đi hết con đường nghệ thuật vốn mênh mông này, nhất là đào tạo, truyền nghề cho thiếu nhi, để có thể ươm mầm tài năng cho đất nước, họa sĩ Thanh Long nói thêm. Hiện tại, họa sĩ ở vào lứa tuổi thất thập này còn đang ấp ủ nhiều dự định về những bức tranh mang đậm nét đặc trưng của quê hương đất Thủ, mà một trong số đó là chủ đề xe ngựa Bình Dương. Bởi theo ông, ký ức “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô / Mượn ba chú lính đưa cô tôi về / Đi về Chợ Thủ bán hủ bán ve / Bán bộ đồ chè bán cối đăm tiêu” là những hoài niệm đẹp nhất về quê hương Bình Dương và ông phải có trách nhiệm lưu truyền qua tranh vẽ của mình.
THỤC VĂN