Thác Mơ : vạn chài sóng vỗ...

Cập nhật: 21-12-2009 | 00:00:00

Nhà bè trên sông nước lòng hồ

Đứng ở lưng chừng núi Bà Rá, phóng tầm mắt ra xa, phía sau thị trấn Thác Mơ (Phước Long, Bình Phước) đô hội là cả một vùng nước mênh mang sóng vỗ. Từ đây, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi qua thị trấn Thác Mơ để đến trung tâm xã Đức Hạnh, rồi xuôi về vùng đất vạn chài của những hộ dân sống bằng nghề sông nước giữa núi rừng bao la của đất Phước Long.

Xóm nghèo

Mới 5 giờ sáng, bến “cảng” của xóm chài đã tấp nập xuồng ghe vào neo đậu. Những ánh mắt mỏi mệt, thiếu ngủ của những ngư dân đang ngồi nghỉ và chậm rãi nhả khói thuốc lá vào khoảng không. Những người phụ nữ thoăn thoắt tay đong tôm, đếm cá bán cho chủ vựa để chuyển về bán ở chợ huyện. Trẻ con trong xóm í ới gọi nhau đi nhặt nhạnh, thu lượm cá tôm rơi vãi, các cụ lớn tuổi, những thiếu nữ cũng ra tay phụ giúp người nhà giặt lại lưới, lọn, cào để chuẩn bị cho chuyến ra “đi” lần nữa trong ngày. Mặt trời ló dạng ở phía sau cánh rừng xa xa, bến “cảng” của xóm chài trở lại bình yên như cũ, chỉ còn lại vài chiếc ghe, xuồng là phương tiện di chuyển của xóm nhà lồng giữa lòng hồ.

Hôm nay, do bị sốt nên cô bé Đặng Thị Hoài Anh (SN?1996) không theo ba xuống thuyền để đặt lọp bắt tép mà ở nhà phụ mẹ sửa lại những chiếc lọp bằng tre đã bị hư hôm trước. Bé Hoài Anh là con thứ hai của vợ chồng anh Đặng Văn Nam theo gia đình từ Tây Ninh sang định cư tại lòng hồ Thác Mơ đã hơn 5 năm nay. Cuộc mưu sinh của vợ chồng anh Nam vòng vèo qua nhiều vùng đất và hiện đang dừng chân tại thôn Bình Đức 1. Lênh đênh đời vạn đò, đi lắm cũng khổ, nên khi đến với lòng hồ thủy điện Thác Mơ, anh Nam chọn một doi đất ven hồ để dựng lên túp lều làm nơi trú ngụ cho vợ con. Còn anh Nam thì ngày cũng như đêm đều gắn bó với con xuồng và mặt nước để đặt lọp đơm tép. Chị Lê Mộng Linh, vợ anh Nam kể: “Nhà có 1.000 chiếc lọp, những ngày đẹp trời có thể đơm được 5 - 7kg tép, bán với giá 30.000 đồng/kg, nhưng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện. Nhà có 3 đứa con nhưng chỉ có thằng út là đang theo học ở trường tiểu học, còn hai đứa lớn nghỉ học để phụ giúp ba nó đặt lọp”.

Ông Lâm Văn Nở, Thôn trưởng thôn Bình Đức 1 cho biết: “Xóm chài hiện có 68 hộ dân, trong đó gần 30 hộ dân từ Campuchia về dựng lều đánh cá và định cư tại lòng hồ. Số khác là bà con theo nghề sông nước từ các tỉnh miền Tây lên”. Cũng theo ông Nở, hầu hết các hộ dân ở xóm chài đều đến lòng hồ lập nghiệp bằng nghề đánh bắt thủy sản. Ven lòng hồ có những bãi, doi đất là nơi cắm lều, dựng nghiệp của các hộ dân.

Hai đứa trẻ ở xóm chài tự chèo xuồng đến lớp học

Túp lều của một hộ dân xóm chài

Chị Linh cùng con gái đan lọp tại nhà

Trăn trở

Năm nay 14 tuổi, cô bé Đặng Thị Hoài Anh đã phổng phao, hoạt bát và cũng biết e ấp làm duyên khi người khác giới quan tâm hỏi han. Nhưng về đời sống tinh thần của cô bé Hoài Anh so với chúng bạn ở những vùng thuận lợi thì hoàn toàn khác. Hoài Anh kể: “Cháu chưa một lần được ra phố huyện để chơi, dù từ nhà cháu ra đó chưa đầy 20 cây số. Hồi học lớp 4, cô giáo chủ nhiệm có dẫn cả lớp ra phố huyện chơi, nhưng cháu thấy nhà cửa, xe cộ và người ở Thác Mơ tấp nập quá, sợ lạc nên chỉ ngồi co ro ở xe đợi các bạn về”. Từ khi nghỉ học đến nay, Hoài Anh chỉ biết làm bạn với chiếc xuồng đơm tép của ba và những cọng tre của mẹ để đan lọp. Chị Linh buồn bã nói: “Cũng vì nghèo, mong kiếm được miếng ăn nên đứa con gái lớn Bích Mai của tôi năm nay đã 16 tuổi cũng chỉ quanh quẩn với sóng nước. Trong khi đó, với tuổi này nhiều đứa con gái khác đã biết môi son má phấn, còn tôi mong có chút dư để sắm cho con bộ đồ mới mà cũng rất khó khăn”.

Chúng tôi len lỏi trong xóm chài nằm dọc triền hồ. Quang cảnh xóm chài thật xơ xác, chòi lá, chòi bạt, tôn thủng nằm san sát nhau. Những đứa trẻ đang đùa nghịch cũng chỉ bằng trò ném đất vào nhau hay trò ú tìm. Cũng có đứa đang chơi, nghe gọi vội chạy về tòng ten xách bịch cá, tép do bố mẹ về muộn đi bán. Đứa trẻ nào tóc cũng hoe vàng và nước da sạm nắng.

Mênh mông sóng vỗ

Tạm biệt xóm chài nghèo, ông Lâm Văn Nở đón chúng tôi bằng chiếc ghe máy của một ngư dân ở gần bến “cảng”. Tiếng là ghe máy, nhưng chiếc xuồng bằng gỗ khá ọp ẹp. Chiếc xuồng tròng trành khá mạnh khi bị những con sóng vỗ vào mạn thuyền và chúng tôi cũng chếnh choáng như người bị say sóng. Ngồi ở khoang thuyền, cảnh trời và nước lòng hồ thật đẹp, phía xa xa là đỉnh núi Bà Rá vươn mình thoát khỏi bóng cây trông thật uy nghi, hùng vĩ. Trên lòng hồ, từng khối nhà lồng cũng dập dềnh theo từng nhịp sóng vỗ.

Ông Nguyễn Văn Thành (SN 1965) chủ một nhà bè ra đón chúng tôi bằng cách tung sợi dây dù để buộc ghe. Bà Quác, vợ ông Thành cũng hăng hái ra phụ chồng đón khách bằng cách giữ xuồng và dìu từng người vào nhà lồng của mình. Trong một khoảng rộng chừng 15m2 trên bề mặt của nhà lồng là nơi sinh hoạt và trú ngụ của 3 thế hệ, gồm vợ chồng ông Thành và 5 người con cùng 2 đứa cháu nội. Ông Thành nói: “Ngày đứa con dâu đầu sắp vượt cạn, vợ chồng tôi mới làm thêm một chiếc bè nữa để cho nó sinh nở, nay phần diện tích đó là nơi ở riêng của gia đình thằng Hai, còn đây là nơi ở chung của cả gia đình”. Bà Quác vừa cho cá ăn vừa góp chuyện: “Khổ lắm chú, nhưng ở riết thành quen, nghiệp sông nước thì có khi nào được ở rộng rãi đâu”. Rót chén nước trà được nấu từ nước của lòng hồ đang còn nghi ngút khói, ông Thành chậm rãi, tôi từ An Giang lên đây từ năm 2002.

Trước gia đình ở lòng hồ Trị An (Đồng Nai), rồi lòng hồ Cần Đơn nhưng người đông cá hiếm nên dạt về đây lập nghiệp. Ban đầu, vợ chồng tôi chỉ làm nghề đánh cá trên hồ, sau thấy tiềm năng nuôi cá ở đây rất lớn nên chuyển sang làm nhà lồng nuôi cá. Cái lợi của việc làm nhà lồng nuôi cá là có thể vừa là nhà ở, vừa là nơi làm kinh tế, vì mình không tiền mua đất dựng nhà. Với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, tôi dựng cái nhà lồng này để nuôi cá lăng nha. Mỗi năm 4 vụ thu hoạch cũng được 60 triệu đồng, chưa trừ các khoản chi phí.

Tuy không giàu nhưng cũng dễ sống hơn nghề đánh bắt cá”. Ông Thành nói tiếp, đêm nào cũng thế, tôi cùng các con đi đánh cá sơn. Ngày thì xay cá bắt được làm thức ăn cho cá nuôi trong bè nên chi phí cũng ít. Khi tích lũy được chút đỉnh, tôi làm thêm một chiếc nhà bè nữa để nuôi cá lóc và là nơi trú ngụ cho vợ chồng thằng con trai đầu nên cũng đỡ chật chội hơn. Anh Võ Văn Hải (SN?1979), một hàng xóm trong khối nhà lồng góp chuyện: “Về làm giàu chúng tôi chưa nghĩ tới vì không có vốn đầu tư, nghề nuôi cá bè cũng chỉ đủ ăn”. Khi hỏi về khả năng lên bờ lập nghiệp như các hộ xóm chài, anh Hải thở dài: “Muốn lắm chứ, lên bờ là được đổi đời rồi. Nhưng hiện nay, dù khó khăn, bà con cũng phải bám lòng hồ để bắt con tép, con tôm nuôi sống gia đình. Lên bờ thì không có đất để sản xuất. Làm thuê cuốc mướn thì bữa được, bữa mất. Thôi, thì cứ lênh đênh sông nước cũng lây lắt, đắp đổi qua ngày”.

Ông Nở nắm chặt tay tôi lúc tạm biệt. Ông cũng như bà con ở đây đang đặt hy vọng vào việc tỉnh đã quy hoạch đất sau khi quy hoạch xong 3 loại rừng và giao về cho địa phương quản lý thì người dân xóm chài, xóm nhà lồng có cơ hội đổi đời hơn nếu được Nhà nước cấp đất tái định canh, định cư. Tạm biệt xóm nhà chài, tạm biệt những bước chân dập dềnh trên sóng nước của xóm nhà lồng, chúng tôi trở về thị xã và mang theo nhiều trăn trở với bà con nơi đây. Người dân trên bờ thì trăn trở, phập phồng, lo âu vì ở ké trên đất của thủy điện Thác Mơ, ngư dân sinh sống và làm nghề dưới nước thì lo lắng: “Một mai, nguồn lợi thủy sản lòng hồ ngày một cạn kiệt, thì lấy gì để sinh sống”. Khát vọng đổi đời, đổi nghề của người dân xóm chài, xóm nhà lồng hiện vẫn đang còn để ngỏ.

TẤN HÒA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên