Ngày 1/1/2023, ông Luiz Inacio Lula Da Silva, khi nhậm chức đã giàn giụa nước mắt tuyên thệ đưa đất nước Brazil thoát ra khỏi “thảm họa” của thời kỳ ông Jair Bolsonaro lãnh đạo; trên khắp đất nước Brazil, người dân đổ ra đường hò reo, vui mừng chào đón một thời đại mới của hòa giải, bảo tồn môi trường và công bằng xã hội. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức đang chờ ông Lula Da Silva ở nhiệm kỳ này.
Cố kìm nước mắt khi phát biểu trước hàng chục nghìn người ủng hộ chật cứng quảng trường bên ngoài dinh tổng thống, ông Lula Da Silva tuyên bố chấm dứt “một trong những thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil” dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. Tân Tổng thống Brazil thề sẽ thống nhất đất nước Brazil bị chia rẽ sâu sắc và sẽ lãnh đạo đất nước Brazil không chỉ cho những người đã bầu ông trong cuộc bầu cử lịch sử vào tháng 10, mà cho tất cả 215 triệu người Brazil.
Ông Lula Da Silva tuyên thệ nhậm chức ngày 1/1/2023.
Giai đoạn vừa qua, theo ông là giai đoạn mà người dân Brazil đã chịu nhiều nỗi thống khổ, đói nghèo. Vì vậy, ngay trong lễ tuyên thệ, ông Lula Da Silva đã vạch ra kế hoạch cho một “cuộc chiến chống đói nghèo” mới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Không đề cập trực tiếp danh tính người tiền nhiệm (Jair Bolsonaro) nhưng ông Lula Da Silva ám chỉ những chính sách cai trị sai lầm, những phát ngôn thù hằn và những lời nói dối vô căn cứ của người tiền nhiệm đã gây nên nhiều thảm cảnh cho người nghèo Brazil, đã gây ra gần 700.000 cái chết do đại dịch COVID-19. Nhiều người dân Brazil ủng hộ ông Lula Da Silva bên ngoài dinh tổng thống đã đồng thanh hưởng ứng những tuyên bố của ông về những gì đã xảy ra cho họ trong 4 năm qua.
Phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Lula Da Silva cho biết “hành vi tội ác của một chính phủ theo chủ nghĩa phủ nhận và chủ nghĩa ngu dân đã đối xử nhẫn tâm với cuộc sống của người dân” trong đại dịch sẽ phải bị trừng phạt.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Bolsonaro đã bay sang Mỹ tị nạn từ hôm 30/12 và từ chối trao chiếc băng choàng cho tân tổng thống như một nghi thức truyền thống. Thay vào đó, trong một nghi thức mang tính biểu tượng và đầy xúc động bên ngoài dinh tổng thống, một người nhặt rác da đen tên Aline Sousa ở Brasilia đã trao chiếc băng tượng trưng đó cho ông Lula Da Silva. Nghi lễ có sự tham dự của đầy đủ các thành phần dân chúng trong xã hội Brazil.
Trên khắp đất nước Brazil, những đám đông khổng lồ người ủng hộ ông Lula Da Silva đã cuồng nhiệt tràn xuống đường phố để ăn mừng sự hồi sinh chính trị gây chấn động của một chính khách mà chỉ hơn 3 năm trước còn bị giam hãm trong ngục tù vì tội tham nhũng để rồi sau đó bản án bị hủy bỏ, ông được trả tự do. Báo chí, truyền thông đưa đậm nét những hình ảnh người dân Brazil gào thét, run rẩy vì sung sướng trước sự trở lại của ông Lula Da Silva vì họ tin rằng ông sẽ mang đến những đều tốt đẹp cho họ, cho đất nước Brazil tươi đẹp.
John D. French, nhà viết tiểu sử của ông Lula Da SIlva cho biết, ông tin rằng sau khi tuyên chiến với nạn đói, ưu tiên hàng đầu của tân tổng thống sẽ là đoàn kết, thống nhất một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc sau một chiến dịch bầu cử bị tàn phá bởi những thông tin độc hại và bạo lực. Bên cạnh đó, chính phủ mới của ông Lula Da Silva cũng sẽ mạnh tay trong cuộc chiến chống tội phạm môi trường và ông sẽ chỉ định một phụ nữ người da đỏ bản xứ làm lãnh đạo bộ đầu tiên của Brazil dành cho người bản xứ. Điều này đã khiến người bản xứ cảm thấy được ông Lula Da Silva coi trọng và ra sức ủng hộ ông.
Không khí vui mừng chào đón sự trở lại của ông Lula Da Silva đã vượt ra ngoài biên giới Brazil, lan khắp thế giới. Hơn 60 phái đoàn cấp cao của các nước đã tham dự lễ nhậm chức của ông (so với 18 phái đoàn khi ông Bolsonaro nắm quyền). Thế giới thở phào nhẹ nhõm trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo đã tấn công rừng Amazon khiến Brazil trở thành một quốc gia bị quốc tế gạt bỏ.
Danh sách khách mời bao gồm Vua Felipe của Tây Ban Nha, các tổng thống của Đức và Bồ Đào Nha và các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh bao gồm Alberto Fernández của Argentina, Luis Arce của Bolivia, Gabriel Boric của Chile, Gustavo Petro của Colombia và Nicolás Maduro của Venezuela. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước vào đầu năm 2023.
Năm nay 77 tuổi, ông Lula Da Silva lần đầu lên làm Tổng thống Brazil vào năm 2003, với tư cách là một cựu lãnh đạo công đoàn, đã trở thành Tổng thống Brazil đầu tiên thuộc tầng lớp lao động. Khi đó, sự bùng nổ của kinh tế hàng hóa toàn cầu đã cho phép ông thúc đẩy các chương trình xã hội giúp hàng triệu người Brazil thoát đói, nghèo. Ông rời nhiệm sở vào năm 2010 với tỷ lệ tán thành cao khiến Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama gọi ông là “chính trị gia được yêu thích nhất trên trái đất”.
Lần nhậm chức này, sau 2 thập niên, triển vọng kinh tế Brazil kém hứa hẹn hơn và xã hội Brazil bị chia rẽ sâu sắc, với nhiều gia đình chia rẽ vì ủng hộ ông Lula Da Silva hay ông Bolsonaro. Giới phân tích cho rằng ông Lula Da Silva sẽ mất khá nhiều thời gian để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo như cũ, để khôi phục lại nền kinh tế, văn hóa xã hội và tất cả những gì đã được xây dựng trước đây nhưng đã bị ông Bolsonaro tàn phá. Đặc biệt, việc chặn đứng, chấm dứt nạn phá rừng Amazon sẽ được triển khai khẩn trương để kịp thời ngăn chặn nguy cơ thảm họa môi trường sinh thái và cũng để khôi phục vị thế của Brazil trên trường quốc tế.
Theo CAND