Thách thức và triển vọng của một số ngành hàng xuất khẩu

Cập nhật: 24-04-2012 | 00:00:00

Một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2012-2013. Tuy nhiên, đi kèm với đó là có điều kiện, bởi doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành hàng này đang gặp không ít khó khăn từ cả bên trong, lẫn bên ngoài. Trong các ngành hàng được nhận định đạt mức tăng trưởng tốt có dệt may và chế biến gỗ, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương.

Kỳ 1: Ngành dệt may có thể đạt tăng trưởng tốt

Theo dự đoán của một số chuyên gia, ngành dệt may vẫn tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 25% trong năm nay nếu có sự nỗ lực lớn từ phía Chính phủ và cả DN. Theo dự kiến, năm nay ngành dệt may sẽ đạt tổng doanh thu 25 tỷ USD, trong đó lĩnh vực xuất khẩu đạt từ 19 - 19,5 tỷ USD.  

Hoạt động sản xuất tại một DN dệt may ở Bình Dương

 Khó khăn nhiều hơn thuận lợi!

Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký - Trưởng Văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại hội thảo diễn ra ở TP.HCM mới đây, những khó khăn của ngành dệt may hiện nay là khá nhiều. Trước nhất là sự mất cân đối trong cấu trúc ngành và bất cập về các phương thức sản xuất. Ngành dệt may trong nước bắt đầu từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Cụ thể, về bông tự nhiên nhu cầu trong nước cần khoảng 400.000 tấn/năm nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 3.000 tấn, tương đương 0,75%. Tương tự, với xơ nhân tạo nhu cầu cần khoảng 400.000 tấn/năm nhưng nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 120.000 tấn, tương đương 30%. Còn đối với khu vực dệt gồm kéo sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất (chuỗi liên kết dọc) thì được xem là điểm bất hợp lý và là nút thắt lớn nhất của chuỗi. Theo ông Tuấn, cả nước hiện có 4,5 triệu cọc sợi với năng suất toàn ngành đạt 680.000 tấn, trong đó xuất khẩu 60% (tương đương 408.000 tấn), số còn lại đưa vào ngành dệt và tạo ra khoảng 1,2 tỷ mét vải. Do vậy phải nhập thêm khoảng 5,2 tỷ mét vải nữa mới đáp ứng nhu cầu. Về phụ tùng ngành dệt (bao gồm cả kéo sợi) thì hiện nay còn phải nhập khẩu 100%; nguyên phụ liệu nhập khẩu tới 70%.

Trong khi đó, về thị trường lớn như Hoa Kỳ, Eu, Nhật Bản thì các nhà bán lẻ chiếm từ 70 - 90% thị phần, phần còn lại là thị trường của các nhà thương mại, nhà sản xuất theo phương thức OBM (sản xuất thương hiệu gốc). Điều này cũng có nghĩa là các hãng may của Việt Nam chưa thể tiếp cận trực tiếp được những thị trường này mà phải qua tối thiểu từ 1 - 2 trung gian. Việt Nam mặc dù nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dệt may với kim ngạch 14,5 tỷ USD (năm 2011), nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 3% thị trường toàn cầu mà thôi. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn khi nói đến vị thế, thương hiệu của ngành trên thị trường quốc tế. Còn thị trường trong nước với khoảng 90 triệu người, một khu vực đầy tiềm năng nhưng sức tiêu thụ còn hạn chế do thu nhập bình quân đầu người chưa cao. Đặc biệt, thị trường này cũng đang chịu ảnh hưởng lớn của hàng hóa thấp cấp từ Trung Quốc tràn sang, còn hàng cao cấp lại rơi vào tay các thương hiệu mạnh ở nước ngoài. Một con số đáng chú ý mà theo nhiều chuyên gia quan tâm là trong một đội ngũ DN hùng hậu của Việt Nam về số lượng (4.000 DN dệt, may) thì chỉ có một số ít ỏi được xem có thương hiệu, như: An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Phong Phú, Việt Thắng, May mặc Bình Dương (3-2)...

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như trang thiết bị, quản trị, nguồn tài chính, nhân lực... của các DN ngành dệt may trong nước còn thua kém rất nhiều so với nước ngoài nên khó cạnh tranh trên thị trường là điều dễ hiểu. Theo TS Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp về hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thì ngành may mặc nội địa hiện cũng chưa thể huy động được vốn đầu tư cho các dự án dài hơi, quy mô lớn. Do đó, trọng tâm đặt ra trong năm 2012 là tiếp tục huy động và dành vốn cho các hoạt động sản xuất, nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho việc kinh doanh. Các DN lớn, có nguồn vốn khá mạnh thì cũng đang rất thận trọng trước kế hoạch đầu tư các dự án mới.

Đạt mục tiêu nếu biết củng cố hệ thống phân phối

Trong nhiều ý kiến của các chuyên gia đóng góp để ngành dệt may trong nước tiếp tục vượt qua khó khăn, đứng vững và từng bước phát triển thì thị trường nội địa được xem là yếu tố đầu tiên. Theo đó, để đạt mục tiêu đề ra DN cần phải chú trọng đến việc mở rộng, xây dựng và kiện toàn hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Còn với thị trường quốc tế, bên cạnh thị trường nội địa cũng phải tích cực mở rộng và tham gia vào chuỗi cung ứng, tiếp cận gần hơn nữa với người tiêu dùng. Đặc biệt, cần lưu tâm phát triển một số thương hiệu hàng Việt sang các thị trường lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar... đồng thời từng bước nâng cấp từ may gia công (CMT) lên sản xuất thiết kế gốc (ODM) và sản xuất thương hiệu gốc (OBM).

Năm 2013, hy vọng sẽ là một năm gặt hái thêm nhiều thành công bởi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và đặc biệt là hiệu ứng của Hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ được ký vào năm 2013. Theo các chuyên gia kinh tế trong ngành, đây sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành dệt may tiến nhanh hơn nữa về phía trước, vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2020. Ông Nguyễn Văn Tuấn đặt giả định: Năm 2013 ngành này tăng trưởng 25% và các năm còn lại là 15% thì kết quả đến cột mốc 2015, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt tổng doanh thu 42,48 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 31,86 tỷ USD và tiêu thụ nội địa đạt 10,82 tỷ USD. Đến năm 2020, với mục tiêu tăng trưởng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, thì tổng doanh thu của ngành dự kiến đạt 68,43 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 51,32 tỷ USD và tiêu thụ nội địa dự kiến đạt 17,11 tỷ USD.

Hiện nay, Chính phủ vẫn đang tích cực đàm phán để sớm ký kết các hiệp định song phương với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là gia nhập TPPP, mở rộng thị trường và tạo thêm sức bật mới cho ngành dệt may. Ngành dệt may của Việt Nam đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng, xác lập một vị thế mới, là đầu tàu trong việc cải thiện và phát triển kinh tế đất nước từ nay đến năm 2015. Điều quan trọng nhất mà theo các chuyên gia thì cộng đồng DN trong nước cần hợp tác mở rộng thị trường, xây dựng và kiện toàn hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu hàng Việt và cần kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này để tận dụng cơ hội từ TPP mang lại.

Ngành dệt may Bình Dương đã ký được 30 - 45% lượng hàng xuất khẩu

Theo Sở Công Thương Bình Dương, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có lượng đơn hàng đã ký từ quý IV-2011 đến nay tương đối khá, trong đó dệt may đã ký được 30 - 45% lượng hàng xuất khẩu theo kế hoạch năm 2012. Trong quý I-2012, xuất khẩu hàng dệt may đạt mức 327,4 triệu USD, tăng 0,1%; còn nhập khẩu vải đạt mức 60,2 triệu USD, tăng 35,1%; phụ liệu hàng may mặc 50,8 triệu USD, tăng 28,3%. Giá bông vải nhập khẩu hiện vẫn đang ở mức xấp xỉ 3,2 USD/kg, tăng 6 - 8%..

Tính trong cả nước, 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 3,23 tỷ USD tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu nguyên phụ liệu về cơ bản giảm cả lượng và trị giá, trong đó về trị giá bông giảm 36,5%; sợi các loại giảm 13,4%; vải giảm 11,1%. Thị trường xuất khẩu dệt may có xu hướng giảm so với cùng kỳ là EU, giảm từ 25 - 30% so với cùng thời điểm năm 2011.

 Kỳ tới: Ngành chế biến gỗ gặp khó, nhu cầu thị trường vẫn cao

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=301
Quay lên trên