Thái Lan bế tắc sau 5 năm đảo chính lật đổ Thaksin

Cập nhật: 25-09-2011 | 00:00:00

Ngày 19-9-2006, quân đội Thái Lan đảo chính không đổ máu, lật đổ chính quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Sau 5 năm, cam kết khôi phục ổn định, đoàn kết và dân chủ của giới tướng lĩnh ở đất nước này vẫn là một viễn cảnh xa vời.

Hàng ngàn người "áo đỏ" tập trung tại trung tâm Bangkok vào đêm ngày 18-9 để kỷ niệm ngày diễn cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ngày 19-9-2006, quân đội Hoàng gia Thái Lan đảo chính và lật đổ trong lúc ông đang tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York. Lực lượng lật đổ xuống đường đeo ruy băng màu vàng - biểu tượng của Hoàng gia và được chào đón bởi tầng lớp trung lưu tại Bangkok trong khi hầu hết những người ủng hộ Thaksin giữ im lặng.

  Tình hình Thái Lan chưa ổn định sau 5 năm xảy ra đảo chính lật đổ ông Thaksin. Ảnh minh họaKể từ sau khi ông Thaksin bị lật đổ, mâu thuẫn nội bộ tại đất nước này ngày càng trở nên sâu sắc, bùng nổ bạo lực và bóp méo nghiêm trọng hình ảnh "Đất nước của những nụ cười" mà Thái Lan mất công xây dựng thời gian trước đó. Đúng như giáo sư ĐH Chulalongkorn Thitinan Pongsudhirak nhận định: "Tình hình đất nước kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin trở nên bất ổn và rối loạn hơn".

Suốt 5 năm qua, Thái Lan phải liên tục chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ, đụng độ bạo lực liên tiếp của các phe áp vàng và áo đỏ. Phe áo vàng là lực lượng chống lại ông Thaksin, gồm chủ yếu là những người bảo Hoàng, tầng lớp trung lưu và quân đội. Trong khi đó, phe "áo đỏ" là những người thuộc tầng lớp nông dân, công nhân nghèo ủng hộ ông Thaksin.

Cụ thể, nếu Chính phủ cầm quyền là lực lượng thân Thaksin thì phe áo vàng sẽ đổ ra đường biểu tình phản đối. Ngược lại, nếu Chính phủ thuộc lực lượng chống Thaksin thì phe áo đỏ sẽ đứng lên biểu tình. Phe áo vàng lật đổ thành công nhiều Chính phủ thân Thaksin sau đó còn bản thân cựu Thủ tướng phải đi sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.

Các nhà phân tích cho rằng, tình hình ổn định ở Thái Lan sẽ không tồn tại lâu dài bởi mâu thuẫn giữa cựu Thủ tướng Thaksin và những người theo đường lối bảo thủ vẫn còn sâu sắc. Hai bên không thể tránh khỏi một cuộc đối đầu trong tương lai.

Do vậy, sự trở về của cựu Thủ tướng Thaksin được coi là một mối đe doạ đối với phe bảo Hoàng, tầng lớp trung lưu và quân đội Thái Lan. Đây là những tầng lớp từ lâu có ảnh hưởng ở xã hội Thái Lan. Tuy nhiên, ảnh hưởng này đã giảm dần dưới thời cầm quyền của ông Thaksin từ năm 2001-2006. Phe bảo Hoàng, trung lưu và quân đội sợ bị trả thù và bị mất ảnh hưởng như trước đây nên họ sẽ tìm mọi cách để ngăn không cho ông Thaksin trở về.

Khi đó, bà Yingluck phải đối mặt với một sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Nếu không đưa anh trai trở về nước bà sẽ làm hài lòng phe áo vàng nhưng lại khiến những người ủng hộ quay lưng với bà. Nhưng nếu bà Yingluck đưa ông Thaksin trở về thì chính trường Thái Lan có nguy cơ rơi vào cơn sóng gió mới. Phe áo vàng sẽ chớp lấy thời cơ này để đánh đổ Chính phủ của bà Yingluck. Và cái vòng luẩn quẩn của những cuộc biểu tình sắc màu sẽ lại tiếp diễn.

Thêm vào đó, cuộc đảo chính gây ra không ít ảnh hưởng tiêu cực về vai trò của chế độ quân chủ ở Thái Lan. "Cuộc đảo chính thất bại trong chính mục đích loại bỏ hoàn toàn ông Thaksin", Tiến sĩ Pavin Chachavalpongpun, một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận định.

Được biết, cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực là một trong những lý do được đưa ra bởi các vị tướng phát động cuộc đảo chính hồi năm 2006. Chính biến của quân đội Hoàng gia Thái Lan do một số tướng lĩnh cầm đầu "hạ bệ" cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bằng cáo buộc mà phương Tây gọi là “lèse-majesty”, hay tội bất kính nhà vua.

Do vậy, kể từ năm 2006, điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan được thực thi mạnh tay hơn. Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng đạo luật đặc biệt này của Thái Lan không chỉ là một tàn dư của một thứ pháp luật có phần hà khắc gắn với bảo vệ vương quyền mà đây còn được xem là một cớ hay cơ hội tốt để các đối thủ chính trị lợi dụng trong cạnh tranh quyền lực.

Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan: “Bất cứ ai phỉ báng, lăng nhục hoặc đe doạ Nhà Vua, Hoàng hậu, Thái tử, Hoàng Hậu nhiếp chính, đều bị trừng phạt bằng việc bỏ tù từ 3 tới 15 năm”

 

Theo China Post, trong tháng 9-2011, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Thái Lan do chính quyền Thái Lan thiết lập cho rằng, cần phải đình chỉ các vụ xét xử chính trị và xét lại các trường hợp xảy ra trước cuộc đảo chính năm 2006. Ủy ban này không ngần ngại tấn công vào hệ thống luật lệ nhằm bảo vệ hình ảnh của chế độ quân chủ; bằng cách tuyên bố việc sử dụng của Điều 112 "trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột chính trị" ngay cả trước khi cuộc đảo chính hồi năm 2006.

Liên minh Nhân dân vì Dân chủ ở Thái Lan (PAD) tan đàn xẻ nghé nhưng cũng có những phần tử cực đoan trong chế độ quân chủ tin rằng một cuộc đảo chính quân sự sớm muộn gì sẽ nổ ra nhằm loại bỏ các yếu tố liên quan đến ông Thaksin - ngay cả khi phải đổ máu và mất uy tín quốc tế.

Đằng sau vẻ ổn định của Thái Lan sau cuộc bầu cử vẫn còn nhiều chứa đựng nhiều bất ổn tại vương quốc này.

Theo Chinapost

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên