Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã kêu gọi người dân tôn trọng quyết định của Tòa án tối cao đối với tài sản của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bởi nếu không đất nước “sẽ rơi vào tình trạng vô pháp luật”.
Ngày 26-2, Tòa án tối cao sẽ đưa ra phán quyết liên quan (tịch thu một phần hoặc toàn bộ) số tài sản 2,29 tỉ USD của ông Thaksin hiện đang bị đóng băng trong các ngân hàng. “Nếu quyết định của tòa án không được tôn trọng, xung đột sẽ không bao giờ chấm dứt và người dân sẽ không còn tuân thủ pháp luật” - báo Bangkok Post dẫn lời ông Abhisit cảnh báo.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan luyện tập tại một căn cứ quân sự ở ngoại ô Bangkok để chuẩn bị đối phó với ngày 26-2 sóng gió
Theo AFP, lực lượng áo đỏ ủng hộ ông Thaksin lo ngại sẽ có một bản án bất lợi đối với ông và họ thề sẽ xuống đường biểu tình. “Chúng tôi sẽ chờ xem phán quyết của tòa án, nhưng bất cứ phán quyết bất công nào cũng sẽ dẫn đến một cuộc biểu tình hoành tráng” - AFP dẫn lời lãnh đạo áo đỏ Jatuporn Prompan tuyên bố và cảnh báo chính quyền là đã “đánh giá thấp” phe áo đỏ. Các lãnh đạo áo đỏ đã lên kế hoạch tổ chức “cuộc biểu tình triệu người”.
Đối phó với “ngày phán quyết” này, chính quyền đã huy động hơn 20.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh tại các cơ quan nhà nước, trụ sở tài chính, nhà riêng của các quan chức và điều cảnh sát đến bảo vệ các thẩm phán Tòa án tối cao.
Tuy nhiên, theo một khảo sát mới được thực hiện ở Bangkok, có tới 56,2% người dân được hỏi cho rằng chính phủ và các lực lượng an ninh sẽ không thể đảm bảo nổi an ninh trước và sau ngày 26-2. Tuần trước, cảnh sát đã kịp vô hiệu hóa một quả bom đặt gần trụ sở Tòa án tối cao, và một quả lựu đạn đã nổ gần khu tòa nhà chính phủ khiến các nước Mỹ, Anh và Úc cảnh báo công dân nước mình không nên đến Thái Lan du lịch.
Giới quan sát đánh giá thay vì tìm cách giải quyết các bất hòa, thúc đẩy hòa hợp dân tộc, chính quyền Thái Lan đã khiến người dân hoang mang khi tìm cách bôi nhọ phe áo đỏ như một lực lượng nguy hiểm, vô học, mù quáng chạy theo Thaksin. “Các biện pháp mà chính quyền đang áp dụng cho thấy chính quyền Abhisit hầu như chưa làm được gì để thay đổi môi trường chính trị kể từ khi lên nắm quyền” - AFP dẫn lời ông Michael Montesano, chuyên gia chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.
Báo chí Thái Lan cũng tập trung “đánh” phe áo đỏ mà phớt lờ việc các thủ lĩnh phe áo vàng đã không hề bị truy tố trong khi đây là nhóm đã chiếm sân bay hồi cuối năm 2008.
AP dẫn lời giáo sư chính trị Thitinan Pongsidhirak thuộc Đại học Chulalongkorn nhận định vấn đề của phe cầm quyền là xem lực lượng áo đỏ và sự bất ổn của Thái Lan hoàn toàn do lỗi của Thaksin và những hành vi tham nhũng, lạm dụng quyền lực của ông ta. “Vấn đề đặt ra là liệu lực lượng áo đỏ có ý nghĩa hơn là một tổ chức của Thaksin?
Những kẻ chống Thaksin sẽ nói rằng không, tất cả là do Thaksin - ông Thitinan bình luận - Lẽ ra chính quyền phải thừa nhận rằng lực lượng áo đỏ có những bức xúc thật sự, phải thừa nhận họ tồn tại và lắng nghe họ”. Ông Thitinan cảnh báo sự phủ nhận hoàn toàn đó chỉ càng thúc đẩy phe áo đỏ vùng lên mạnh mẽ.
Dự báo về tình hình Thái Lan sắp tới, một khảo sát mới đây do Hãng Abac thực hiện và được Bangkok Post đăng lại, có đến 49,2% người được hỏi cho rằng khủng hoảng chính trị sẽ tiếp diễn sau ngày phán quyết, 44,2% cho rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều và chỉ 6,6% tin rằng tình hình chính trị Thái Lan sẽ khởi sắc trở lại. Dù vậy, giới chuyên gia chính trị cho rằng ông Abhisit sẽ tiếp tục giữ được ghế thủ tướng chừng nào ông còn nhận được sự ủng hộ của hoàng gia và quân đội.
Theo Tuổi Trẻ