Tham gia FTA: Chấp nhận quy luật cạnh tranh để phát triển

Cập nhật: 05-12-2015 | 06:56:55

 Tinh thần chủ động tích cực hội nhập cùng với đường lối ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Cùng với những thuận lợi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại thì cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà quản lý cũng sẵn sàng tâm lý: Chấp nhận quy luật cạnh tranh để phát triển ngay trên sân nhà và vượt qua những rào cản để tham gia cuộc chơi bình đẳng trên sân khách.

 Đổi mới tư duy, thay đổi tập quán

Đó là yêu cầu chính mà hơn 10 năm về trước nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã trao đổi với đội ngũ lãnh đạo DN trên địa bàn tỉnh. Ông kết thúc buổi nói chuyện đó bằng câu chuyện: “Thế giới phẳng sẽ giúp những anh chàng tí hon nhanh chóng vươn lên thành những người khổng lồ nếu nắm bắt, dự báo tốt thông tin bằng tư duy nhạy bén. Ngược lại, nếu quá coi trọng kinh nghiệm, chậm thay đổi tư duy, tập quán thì những anh chàng khổng lồ cũng dễ biến mất chỉ sau một đêm. Điều này cho thấy khi thị trường đã thay đổi, mở rộng thì hàng hóa, DN cũng phải thay đổi, mở rộng tương ứng để hội nhập và phát triển”.

Dệt may là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam khi tham gia TPP. Các nhà quản lý nhận định, giai đoạn đầu tham gia TPP, DN trong nước sẽ bị lúng túng do phải thiết lập, xây dựng hệ thống cung cấp hàng hóa dịch vụ nội khối, sau đó sẽ là cơ hội để cạnh tranh và phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp may mẫu, Công ty May mặc 3-2 (TX.Thuận An). Ảnh: DUY CHÍ

Tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã khánh thành nhà máy sản xuất tôn thép hiện đại nhất Đông Nam Á với số vốn đầu tư 150 triệu USD. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc công ty, chia sẻ hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi sản phẩm vừa phải có “sức khỏe” vừa phải có “văn hóa” để đứng vững ngay tại sân nhà, từ đó mới có thể vươn ra thế giới. Đã hội nhập thì phải chấp nhận quy luật cạnh tranh để phát triển, thay vì cấm để bảo vệ mình như trước đây. Muốn vậy, DN phải có tầm nhìn và sự chuẩn bị từ trước, chứ không thể muốn là làm ngay được.

Ông Trung cũng cho rằng nhờ hội nhập kinh tế quốc tế mà các nhà đầu tư mang vốn, công nghệ vào giúp giải quyết công ăn việc làm, phát triển sản xuất và cả kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Từ đó DN trong nước, người lao động có cơ hội tiếp thu, học tập và vươn lên bắt kịp thời đại; đồng thời tư duy cũ “tới đâu hay tới đó” được thay mới bằng kế hoạch, tầm nhìn với đầy đủ thông tin dữ liệu dự báo…

Vượt qua rào cản để trưởng thành

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ván sàn Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), chia sẻ các FTA, mà điển hình là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam tham gia là nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa nền kinh tế nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới, mở ra cơ hội rất lớn cho cộng đồng DN. Đây là niềm vui, sự trân trọng, tự hào cho cộng đồng DN, thay vì lo sợ mất thị phần, bị cạnh tranh như một số ít DN mắc phải.

Thực tế cho thấy, để hàng hóa thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính có tiềm năng lớn thì trước tiên DN phải xác định rõ phân khúc để đề ra chiến lược đầu tư. Ngoài yêu cầu ổn định về chất lượng, mẫu mã, tính an toàn, tiện lợi thì thời gian giao nhận hàng, kế hoạch, môi trường sản xuất, chính sách với người lao động, lưu trữ hồ sơ, nguồn gốc hàng hóa… đều phải rõ ràng, minh bạch. Đây là yêu cầu quan trọng nếu DN không chuẩn bị tốt sẽ gặp khó khăn.

Sau 5 năm xuất khẩu sản phẩm ván sàn sang thị trường Hoa Kỳ, bà Loan rút ra bài học: Để hàng hóa đứng vững tại thị trường Hoa Kỳ, chúng ta phải thật nghiêm túc trong sản xuất, bảo đảm chất lượng xanh và sạch. Quan trọng nhất là phải có trách nhiệm cao với sản phẩm mình làm ra và phải biết tôn trọng người tiêu dùng. Nếu bị lỗi sản phẩm thì sẵn sàng thu hồi và đền bù cho khách hàng, không chạy trốn trách nhiệm, không đổ thừa cho hoàn cảnh và không được nói không với những sai lầm do lỗi sản xuất.

Tự thay đổi trước những chuyện không thể thay đổi

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh nhất trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chăn nuôi heo phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát, nói: “Muốn cho hội viên vượt lên, chúng tôi phải chỉ ra những cái khó, những giới hạn mà hội viên mắc phải, cũng như những bó buộc mà người chăn nuôi không thể vượt qua đó là: Người nông dân không quyết định được giá bán, mà phải tùy thuộc vào thị trường. Tâm lý chung của người chăn nuôi là tiết kiệm và thường lựa chọn việc dễ để làm. Ví dụ, bà con thường bỏ qua các mũi tiêm phòng khi không thấy dịch bệnh xuất hiện. Đây là sai lầm rất lớn trong chăn nuôi, vì xảy ra dịch bệnh là tài sản không còn”.

Theo các chuyên gia, trong kinh doanh những chuyện không thể thay đổi thì đừng trông chờ, mà cần tập trung vào những việc mình có thể làm được. Chẳng hạn như trong chăn nuôi heo, cần tập trung nuôi cho mau lớn, rút ngắn thời gian xuất chuồng để giảm chi phí; lựa chọn thuốc phòng, công nghệ nuôi tiên tiến để tận dụng được sản phẩm phụ như thu hồi chất thải để làm biogas, chạy máy phát điện…

Nắm bắt được vấn đề này, Nông trường Suối Giai (huyện Phú Giáo) của Công ty Cổ phần đường Bình Dương đã được Tổng Công ty Mía đường II chuyển giao phát triển nguồn giống mía cao sản thuộc bộ giống quốc gia, nhằm tăng năng suất đường lên gấp đôi để thay thế giống mía đường năng suất thấp đã lưu hành nhiều năm qua. Từ đây, công ty còn phát triển đàn bò sữa cao sản chăn nuôi bằng công nghệ của Israel nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đường Bình Dương, cho biết thực hiện đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công ty đã triển khai đề án chăn nuôi bò sữa công nghệ của Israel phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Chẳng hạn, chuồng trại xây dựng bằng vật tư, cây lá sẵn có tại chỗ để tiết kiệm nhưng phải bảo đảm điều kiện, nhiệt độ, môi trường cho đàn bò; không gây sốc nhiệt hoặc ảnh hưởng đến quá trình vận động, sinh hoạt tự nhiên của đàn. Những yêu cầu bắt buộc với quy trình khoa học nghiêm ngặt người nông dân phải tuân thủ là quy trình lấy sữa tự động bảo đảm vệ sinh, khép kín. Bên cạnh đó, quy trình thu hồi bảo quản và vận chuyển sữa về nhà máy cũng được công ty đầu tư đạt yêu cầu tiên tiến, hiện đại.

Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội lớn mà Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện nhằm mang lại điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để vươn lên phát triển. Để chạm đến thành công, các chuyên gia cho rằng: Con đường đi đến thành công thường không phải là lối mòn với nhiều hoa thơm mật ngọt.

Các nhà quản lý, nhà DN đều tỏ ra phấn khởi trước cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta mang lại. Để công cuộc phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định, bền vững, họ cho rằng cơ chế xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn, thị trường cần được tiếp tục cải tiến phù hợp với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát huy hiệu lực của hệ thống pháp luật với hệ thống rào cản kỹ thuật hợp lý, kịp thời sẽ góp phần bảo vệ thị trường, nhà sản xuất trong nước trước sự xâm nhập, cạnh tranh thiếu lành mạnh, không sòng phẳng của hàng hóa nhập khẩu.

 

DUY CHÍ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=770
Quay lên trên