Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Để hoàn thành nhiệm vụ, người cán bộ y tế nói chung và người điều dưỡng, hộ sinh đã đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình điều trị và chăm sóc cho người bệnh.
Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng tại ca chữa bệnh thành công
Huyện Dầu Tiếng hiện có 123 điều dưỡng. Những năm qua, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên đã có nhiều tiến bộ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều sáng kiến trong thực hiện chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Bác sĩ Bùi Công Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Điều dưỡng là một nghề đầy vinh quang nhưng cũng rất gian nan, vất vả. Hiện nay tỷ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ còn thấp so với yêu cầu. Vì vậy, đội ngũ điều dưỡng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân”.
Công việc của điều dưỡng không đơn thuần chỉ là chăm sóc người bệnh hàng ngày, như: Tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khỏe, chăm sóc về tinh thần, chăm sóc vệ sinh cá nhân, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, dùng thuốc vàtheo dõi dùng thuốc cho người bệnh mà phải tuân thủ quy trình kỹthuật chuyên môn, kỹ thuật vô khuẩn theo quy định kiểm soát nhiễm khuẩn và các biện pháp phòng ngừa, theo dõi phát hiện tình trạng bất thường của người bệnh và báo cáo kịp thời cho bác sĩ điều trị. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, đội ngũ điều dưỡng của huyện còn phải cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại, một số kỹ thuật phức tạp của chuyên khoa nhằm tăng cường công tác chăm sóc người bệnh được toàn diện như sử dụng máy chạy thận nhân tạo, phụ mổ nội soi, chăm sóc trẻ sơ sinh non yếu... Một số kỹ năng chăm sóc người bệnh nhiễm lao phổi, HIV/AIDS, tâm thần, kỹ năng chăm sóc người bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn… được coi là phức tạp không chỉ đòi hỏi người điều dưỡng cần phải có trình độ chuyên môn mà còn phải kết hợp sự khéo léo, tinh tế trong qua trình tiếp xúc với người bệnh.
Điều dưỡng Huỳnh Thị Mỹ Phượng, Phòng Điều dưỡng Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, chia sẻ khi bệnh nhân vào viện đến ra viện, mọi công việc do điều dưỡng thực hiện. Học thực hiện các công đoạn từ nhận bệnh, thăm khám sơ bộ, nhận định đánh giá nhu cầu của người bệnh, đo các dấu hiệu sinh tồn, phối hợp với bác sĩ thực hiện y lệnh trong ngày. Chưa hết, điều dưỡng phải theo dõi người bệnh, giúp bác sĩ phát hiện những bất thường để xử lý. Công việc tuy chịu nhiều áp lực, song điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn, động viên người bệnh. Với các trường hợp người bệnh nặng không tự đi lại được, điều dưỡng hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các y lệnh xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...
Đối với các điều dưỡng ở bệnh viện, mỗi buổi trực đêm là gần như thức trắng, nhưng họ lúc nào cũng phải tỉnh táo để kịp thời tham gia cấp cứu cho người bệnh khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Các điều dưỡng có con nhỏ phải gửi cho người thân trông coi để trực đêm, tận tụy chăm sóc người bệnh. Dịp lễ, tết, trong lúc mọi người quây quần bên gia đình, họ phải thay phiên nhau miệt mài với công việc. Điều dưỡng Phạm Thị Tuyết Mai, khoa Y học cổ truyền Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Nhiều người ví von nghề điều dưỡng là “làm dâu trăm họ”. Người điều dưỡng phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình, chu đáo”.
Được biết, thời gian qua cùng với việc thực hiện công tác chuyên môn, đội ngũ điều dưỡng trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Dầu Tiếng nói riêng đã đồng hành, xông pha trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bất kể ngày đêm, mưa nắng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự tận tụy, trách nhiệm với công việc, họ là những chiến sĩ áo trắng xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”.
HOÀNG LINH