Đã thành truyền thống, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, trong sinh hoạt Phật giáo (PG), mọi người sôi nổi tổ chức mùa Vu lan báo hiếu theo tinh thần của câu chuyện Mục Kiền Liên báo hiếu được ghi lại trong kinh Vu lan bồn. Hiếu đạo được tôn trọng và nhắc nhở nhau như một đạo lý tốt đẹp ngàn đời của cộng đồng người Việt. Vì thế, mùa Vu lan đã trở nên quen thuộc với nhiều người không riêng gì những người theo đạo. Với tinh thần đó, từ ngày mùng 1 đến rằm tháng 7, nhiều cơ sở tự viện đã tổ chức trang trọng lễ Vu lan báo hiếu.
Khắp nơi tổ chức lễ Vu lan
Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh hội PG Bình Dương, trong những ngày này, nhiều cơ sở tự viện đều tổ chức lễ Vu lan báo hiếu theo truyền thống PG, cũng là để nhắc nhở mọi người về việc báo hiếu công ơn sinh thành dưỡng dục của những bậc sinh thành bằng những việc làm cụ thể hàng ngày. Phó Trưởng ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo, Thượng tọa Thích Huệ Thông cho biết: “Theo đó, các hình thức tổ chức phải bảo đảm nếp sinh hoạt truyền thống, gần gũi và gắn liền với nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Đem câu chuyện Mục Kiền Liên báo hiếu của PG để nhắc nhở mọi người phương cách báo hiếu tốt đẹp bằng những việc làm hết sức cụ thể và sâu sắc ngay trong đời sống thường ngày đối với cha mẹ, ông bà, góp phần hình thành nên đời sống tốt đẹp ông bà khỏe mạnh, con cháu thảo hiền”.
Cụ bà Nguyễn Thị Nếp, 91 tuổi, ấp An Lợi, xã Hòa Lợi (Bến Cát) sống an vui trong sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu thảo hiền
Chính vì vậy, ngoài những người có đạo, nhiều người không đạo cũng có dịp tham gia những lễ hội hết sức vui tươi và ý nghĩa này. Một trong những nghi thức đặc trưng không thể thiếu của lễ Vu lan là cài hoa hồng. Nếu nhìn thấy trên ngực áo của ai đó hoa màu đỏ, có thể biết rằng, những bậc sinh thành của họ vẫn còn hiện hữu, còn nếu cài hoa màu trắng thì ngược lại. “Việc cài hoa nhắc cho mọi người về niềm vui và hạnh phúc khi còn cha mẹ để yêu thương”, thầy Phước An, chùa Phước An, TX.TDM cho biết.
Ngoài ra, vào những ngày tháng 7, nhiều người đến chùa để tụng kinh Vu lan bồn. Kinh là câu chuyện kể về lòng hiếu thảo lấy từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ nhân mùa An cư cấm túc, mượn thần lực của đông đảo tăng chúng trong ngày Lễ Tự tứ để hóa giải nghiệp lực nặng nề của mẹ từ những việc làm không tốt khi còn sống. Qua đó hướng dẫn cho mọi người cách thức báo hiếu và đền đáp công ơn cha mẹ, sống hiền lành, chan hòa, tốt đẹp trong đời sống hàng ngày.
Nhắc nhau lòng hiếu thảo
Chị Tuyết là giảng viên của một trường đại học ở Bình Dương. Vào ngày này, chị cũng đến chùa nghe mọi người kể những câu chuyện báo hiếu thật cảm động từ trong đời sống, qua đó tự nhắc nhở và học tập cho bản thân mình. “Mình học cách báo hiếu tốt cho cha mẹ cũng như cố gắng làm thật nhiều việc tốt, thì sau này con cái cũng biết mà làm theo”.
Cô Nguyễn Thị Bảy, 428/2, Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Cường, TX.TDM là giáo viên đã về hưu. Cô cho biết đã tham gia mùa Vu lan từ khi còn rất trẻ. “Nhờ đó mà cô luôn nhắc nhở mình phụng dưỡng cha mẹ già thật tốt, một mình nuôi 4 đứa con khôn lớn trưởng thành. Học theo những việc làm của cô, con cái cũng biết nêu cao tinh thần hiếu thảo, các con luôn ủng hộ mẹ trong những việc làm thiện nguyện hay công tác xã hội, miễn sao cho mẹ vui là được”.
Cũng vậy, con của cô Võ Thị Sáu, số 9, đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TX.TDM luôn cố gắng cho mẹ được vui. Biết sở thích của cô là đi du lịch đó đây, các con luôn tạo điều kiện cho mẹ tham gia các chuyến du lịch với bạn bè. Năm nay, cô 67 tuổi nhưng tinh thần rất vui tươi khỏe mạnh. Cô kể: “Đến giờ này chỉ còn châu Âu và Ấn Độ là cô chưa đến thôi còn lại tất cả ở những điểm du lịch nổi tiếng nào các con cô cũng mua vé cho cô đi hết rồi. Mình sống thảo hiền với cha mẹ làm gương cho con cái, rồi cháu của mình cũng học tập để hiếu thảo với cha mẹ của nó. Cuộc sống như vậy thật ý nghĩa và hạnh phúc”.
Bất kỳ ai khi gặp gỡ những thành viên trong gia đình anh Nguyễn Văn Long, xã Bình Nhâm, TX.Thuận An chắc hẳn sẽ không khỏi cảm mến bởi họ có nếp sinh hoạt gia đình rất hiền hòa, kính trên nhường dưới. Mẹ anh năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn cùng với các con đi chùa, sinh hoạt như bao người. “Đó là một cuộc sống tự nhiên, khi mọi thành viên đều biết yêu thương và giúp đỡ cho những người lớn tuổi và già yếu, huống hồ chi là mẹ của mình. Gia đình mình cũng bình thường như bao người, xuất thân từ tầng lớp lao động để tạo nên sự nghiệp, mỗi thành viên đều hiểu môi trường gia đình là rất quan trọng cho mỗi người có cuộc sống tươi vui, lành mạnh. Tự giác hỗ trợ, giúp đỡ nhau không cần phải nhắc nhở, mỗi người trong gia đình đều không mong cầu gì hơn ngoài môi trường sống hiện có” - anh Long chia sẻ.
Nói về ý nghĩa mùa Vu lan báo hiếu, Thượng tọa Thích Huệ Thông cho biết thêm: “Từ một ngày lễ trong vô số ngày lễ của PG, lễ Vu lan mặc nhiên được cộng đồng xã hội quan tâm và ngầm chấp nhận đó là ngày lễ báo hiếu chung cho cả dân tộc. Lễ hội Vu lan đã gắn kết chặt chẽ tinh thần hiếu đạo truyền thống ngàn đời của cha ông và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Qua đó làm cho tinh thần hiếu đạo luôn tiềm ẩn nơi mỗi người thành những việc làm cụ thể, thiết thực dâng lên các đấng sinh thành một cách trọn vẹn nhất và khơi rộng nguồn yêu thương cũng như nền nhân bản trong đời sống cộng đồng”.
NGỌC TRINH