Tham tán Joi Puente: Cuba sát cánh cùng Việt Nam trong mọi hoàn cảnh

Cập nhật: 17-01-2023 | 08:25:13

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp

Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã buộc Mỹ phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam.

Thắng lợi của Hiệp định Paris cùng với những chiến công to lớn của quân và dân ta trên các mặt trận đã viết nên khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris đã tạo một tiền lệ có một không hai trong lịch sử ngoại giao và đấu tranh của các nước thuộc thế giới thứ ba, củng cố niềm tin của các dân tộc yêu chuộng hòa bình, bị áp bức trên toàn thế giới vào cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc.

Trả lời phỏng vấn TTXVN nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), Tham tán Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, Joi Puente, khẳng định sự kiện này đánh dấu thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam sau 19 năm đấu tranh anh dũng trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao chống quân xâm lược Mỹ, đặc biệt trên mặt trận ngoại giao.

Các cuộc đọ sức trên chiến trường và trên bàn đàm phán đều có chung một mục tiêu là buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Theo ông Joi Puente, thắng lợi này là nhờ sự nỗ lực phi thường, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sự hy sinh của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến vĩ đại do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự lãnh đạo sáng suốt và quyết tâm của Đảng đã đưa nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ông khẳng định sự khéo léo trong tác chiến, trong chiến thuật và liên kết trong đường lối do Đảng vạch ra đã tạo nên một chiến thắng to lớn trong lĩnh vực ngoại giao, tạo tiền đề làm nên chiến thắng vang dội trong lĩnh vực quân sự sau này vào tháng 4/1975 của dân tộc Việt Nam.

Hiệp định Paris là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với phong trào cánh tả thế giới cũng như phong trào giải phóng dân tộc của lực lượng yêu chuộng hòa bình.

Nói về sự ủng hộ to lớn và giúp đỡ quý báu của nhân dân Cuba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam nói chung, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và quá trình đàm phán Hiệp định Paris nói riêng, ông Joi Puente khẳng định Cuba đã luôn sát cánh cùng Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.

Ngày 2/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh Fidel Castro, Chính phủ Cách mạng non trẻ Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với quyết định này, Cuba đã trở thành nước đầu tiên ở Tây bán cầu thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam.

Ngày 4/3/1969, Cuba cũng là nước đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và là nước duy nhất mở Đại sứ quán trong vùng căn cứ giải phóng.

Khẩu hiệu “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” của Fidel Castro đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh mà người Cuba sẵn sàng dành cho những người anh em Việt Nam trong cuộc đấu tranh.

Lãnh tụ Fidel Castro cũng chính là người đã giao cho nữ anh hùng của Moncada, Melba Hernández, nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cũng như phong trào phản chiến ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc ta.

Bà Melba Hernández đã thành lập Ủy ban Đoàn kết Cuba với Việt Nam vào năm 1963, ngày nay là Hội Hữu nghị giữa hai nước. Ủy ban đã tạo ra một phong trào thống nhất trên toàn thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam.

“Cho đến nay, mối quan hệ đặc biệt và khăng khít đó giữa hai dân tộc vẫn tiếp tục được phát huy. Cả Cuba và Việt Nam đều biết rằng họ có những người đồng chí, những người anh em luôn ủng hộ mình vô điều kiện ở bên kia bán cầu," ông Joi Puente khẳng định.

Ông Joi Puente cho biết ở cấp độ đa phương, Cuba cũng đã tích cực vận động các nước thành viên Phong trào Không liên kết đưa ra các tuyên bố chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, cũng như ủng hộ quan điểm do phía Việt Nam đưa ra trong Hiệp định Paris.

Trong giai đoạn 1965-1975, Tổng Tư lệnh Fidel Castro đã có tới 66 bài phát biểu liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 1972, khi mà cuộc chiến tranh tại Việt Nam trở nên vô cùng khốc liệt, lãnh tụ Cuba đã có tới 19 bài tố cáo chính sách quân sự leo thang của quân đội Mỹ và khẳng định sự ủng hộ vô điều kiện với cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Các chiến sỹ Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế nồng nhiệt đón mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro đến thăm Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973.

Tháng 9/1973, Fidel Castro là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới tới thăm vùng giải phóng của Việt Nam trên vĩ tuyến 17. Fidel Castro cắm lá cờ của Mặt trận Giải phóng của miền Nam Việt Nam với lời nói: "Hãy mang lá cờ bất khả chiến bại này đến góc đường cuối cùng." Sự hiện diện và lời nói của ông là sự ủng hộ tinh thần cho người Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của mình.

Sự gắn kết về lý tưởng cách mạng cao đẹp của thời đại, đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc đã tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu giữa hai dân tộc ở cách xa nhau nửa vòng trái đất, tạo nên tình nghĩa đi qua hơn 60 năm thăng trầm của lịch sử, vượt cả giới hạn, quy tắc thông thường trong quan hệ quốc tế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=149
Quay lên trên