Chiều 8-2, thần đèn Đỗ Quốc Khánh bắt tay di dời bức tượng bằng bê tông cao 13 m tại tỉnh Thái Bình. Đây là công trình lớn đầu tiên tại Việt Nam được di dời cả phần móng...
Di dời cả móng công trình
Chúng tôi gặp thần đèn Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam ngay trước ngày ông và cộng sự chính thức di dời tượng đài bê tông cao 13 m, nặng 140 tấn tại Thái Bình. Ông Khánh báo tin vui: “Công việc chuẩn bị di dời đã hoàn tất”.
Tượng đài được di dời
So với công trình 3.000 tấn tại khu công nghệ cao Phù Cát - Hoà Lạc mà ông Khánh đã di dời năm 2008, tượng đài này mang ý nghĩa khác về lịch sử (Tiếng trống năm 1930 – khởi nghĩa nông dân ở Thái Bình).
Chủ trương di dời đã được lãnh đạo huyện Tiền Hải quyết tâm từ lâu vì bức tượng đài đặt không đúng chỗ nên gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Phương án mà ông Khánh đưa ra đã được lãnh đạo huyện Tiền Hải chấp thuận là: Di dời tượng đài bao gồm cả phần móng. Đây là lần đầu tiên việc di dời giữ nguyên cả móng được thực hiện.
Giải pháp được áp dụng gồm sử dụng công nghệ thủy lực bằng một giàn kích, điều khiển bằng trạm điện, nâng công trình cao 1,27 m sau đó di dời qua vị trí khác.
“Ở Việt Nam và nhiều nước trước đây chỉ di dời được mồ mả, bể nước. Nay, công trình lịch sử nặng 140 tấn, chiều cao cả móng là 13 m này được di dời. Việc này thể hiện bước tiến đặc biệt về mặt công nghệ di dời. Từ nay chúng ta có thể di dời được cả những di tích, những hạng mục lớn phục vụ cho việc khảo cổ, xây dựng” - ông Khánh nói.
Ông Khánh cách đây ít ngày lập một kỷ lục khác khi chống nghiêng thành công cho cột điện 110 KV nằm ngay trên mép hồ Hà Thủy phố Hoàng Cầu -Hà Nội. “Khi phương án của chúng tôi được ngành điện chấp thuận thì cột đã nghiêng đến 2 m so với phương thẳng đứng!” - ông Khánh cho biết.
Sau khi khảo sát, ông Khánh quyết định không dùng công nghệ truyền thống vì vị trí chân cột ngay cạnh hồ. Ông Khánh áp dụng công nghệ mới, dùng thiết bị thủy lực, vừa kìm giữ, vừa nâng cột điện lên với giàn kích gần 30 chiếc.
“Mấy hôm đó thời tiết rất xấu, mưa dầm. Bao quanh chúng tôi hệ thống điện cao thế cả ở trên đầu và dưới đất rất nguy hiểm. Lo lắng nhất của tôi khi đó là độ căng của dây điện sẽ tác động đến cột. Khi di chuyển, nhiều lần máy theo dõi của tôi đột ngột báo có tải trọng bất ngờ tăng, cuối cùng tôi cũng đã đưa cột điện khổng lồ trở về đúng vị trí ”- thần đèn kể.
Mơ tạo ngành công nghiệp di dời
Liên tục lập những kỷ lục mới đẳng cấp thế giới, nhưng khi nhắc lại những ngày tự mầy mò nghiên cứu trong suốt 25 năm qua, ông Đỗ Quốc Khánh nhiều lần thốt lên hai từ đau đớn.
Năm 2010, thần đèn sẽ thực hiện di dời trụ sở Trung tâm đào tạo lái xe huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) diện tích 1.000 m2, cao 3 tầng nặng 1.500 tấn dịch chuyển gần 100 m; di dời thư viện-nhà truyền thống huyện Phù Yên (Sơn La).
"Thần đèn” với công nhân trẻ thực hiện chống nghiêng cột điện 110 KV tại Hoàng Cầu, Hà Nội.
Trước đó, trong 20 dự án của năm 2009, Thần đèn thực hiện nhiều dự án được đánh giá rất cao về sáng tạo kỹ thuật như xoay 180 độ tòa nhà trong khu tưởng niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường (Nam Định); chỉnh nghiêng 4 căn nhà dính lưng vào nhau tại Gia Lâm (Hà Nội)...
Tự học, tự nghiên cứu nên ngay cả khi có nhiều việc thế giới đã làm thì ông Khánh vẫn phải mầy mò, trải nghiệm thật nhọc nhằn. Những nỗ lực của ông Khánh đã được đánh giá cao khi Nhà nước quyết định đầu tư 3,5 tỷ đồng (chưa kể tiền ông Khánh bỏ ra 1,4 tỷ đồng) để thực hiện đề tài Nghiên cứu về công nghệ xử lý lún nghiêng, sập và di dời.
Sau khi đề tài thành công, ước mong của ông Khánh là xây dựng lĩnh vực khoa học mới, ngành công nghiệp mới về di dời tại Việt Nam.
Khóa đào tạo công nhân kỹ thuật đầu tiên gồm 20 bạn trẻ đã được ông Khánh triển khai. Con trai ông Khánh cũng đang dùi mài nghiên cứu sinh về sự cố xây dựng tại Pháp. Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam ngay từ đầu năm 2010 đã có cả chục dự án mà theo ông Khánh là “không dám nhận nhiều vì lo không đáp ứng hết”.
Sinh năm 1955 tại Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), năm 1973 ông Khánh được đưa sang học tập tại Tiệp Khắc. Được học về cơ khí chế tạo và tự động hoá, nhưng kết thúc khoá học ông lại bảo vệ đề tài về mô phỏng quá trình cháy! Sau đó, ông Khánh lại làm nghiên cứu sinh ngành điều khiển năng lượng nhưng dở dang.
Trở về nước năm 1984 sau thời gian thất nghiệp, ông Khánh được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng). Sau đó, ông trở thành cộng tác viên của Đại học Xây dựng trong suốt 8 năm.
“Hoàn cảnh xô đẩy, phải chuyển sang lĩnh vực mới đã khiến tôi phải ngày đêm khám phá, tìm tòi. Phương châm nghiên cứu khoa học của tôi là tôi chỉ làm những gì cuộc sống cần, người dân cần...”- thần đèn chia sẻ.
(Theo Tiền Phong)