Thân này... ước xẻ làm đôi!

Cập nhật: 13-09-2010 | 00:00:00

Ai cũng biết, dù người phụ nữ có giỏi giang ở xã hội như thế nào thì vẫn phải đóng vai trò quan trọng trong gia đình. Họ vẫn là người lo cho chồng, cho con bữa cơm ngon, canh ngọt. Thế nhưng điều này không hề dễ với nhiều nữ công nhân. Với họ được ăn bữa cơm ngon lành đã là khó nói gì đến chuyện chăm sóc chồng, con. Nhiều chị tâm sự, thân này... ước xẻ làm đôi.

Bữa cơm vội...

Một thực tế hiện nay ở rất nhiều gia đình công nhân, người phụ nữ hoàn toàn không có thời gian để lo cho gia đình. Lo cho con cái, cơm nước hoàn toàn nhờ vào chồng. Nhiều người, một ngày của họ bắt đầu từ 5 giờ sáng. Công việc đầu tiên là lo bữa ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa; 6 giờ 30 đến công ty, tăng ca đến 21 giờ; về đến nhà, tắm rửa giặt giũ quần áo... lua vội bữa cơm là tròn 22 giờ. Mệt nhoài, ngã lưng xuống giường, ngủ chưa thẳng giấc là đến giờ dậy cho một ngày làm việc mới.

  Mưu sinh cực khổ nhưng các chị tìm thấy niềm vui khi được chồng chia sẻ

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, công nhân đến từ vùng quê xa xôi của tỉnh Thanh Hóa tâm sự: “Nhìn con người ta được mẹ đưa đón, chăm lo từng chút một, đôi lúc tôi chạnh lòng. Hai mẹ con có khi cả tuần mới được nói chuyện với nhau. Sáng mình đi con bé còn ngủ, mình về thì nó đã ngủ rồi”. Chị Hồng có một đứa con nhỏ 3 tuổi. Cháu đang đi học trường mầm non tư thục. Tâm sự với chúng tôi, chị cho biết, chị rất muốn có thời gian chăm sóc chồng con nhưng lực bất tòng tâm. Đồng lương công nhân ít ỏi nếu không tăng ca làm sao đủ sống. Trong khi đó, công ty của chồng chị rất ít tăng ca, vì vậy 2 vợ chồng thỏa thuận: “Anh đón con, lo việc nhà, còn em tăng ca”. Chị Lê Thị Bé, công nhân quê ở Vĩnh Long cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị chia sẽ: “Tăng ca mệt lắm nhưng hễ tháng nào công ty không cho tăng ca là thấy buồn. Lương căn bản không đầy 1,5 triệu đồng, cộng tất tần tật chỉ khoảng 1,8 triệu đồng. Trong khi tiền nhà trọ đã hết 600.000 - 700.000 đồng, đóng tiền học cho con hết thêm chừng ấy nữa. Hai vợ chồng phải gánh vác cùng nhau thì mới đủ”. Để vừa có tiền, vừa có thể thay vợ lo gia đình, chồng chị Bé chọn nghề chạy xe ôm để mưu sinh. Chị Bé cười buồn: “Nhiều hôm ảnh gặp mối đi xa không kịp đón con bé, nó phải về luôn nhà cô giáo. Về nhà nó mếu máo với mẹ...”.

Mỗi tuần gặp nhau... một lần 

Để có thể thay nhau lo cho con cái, nhiều gia đình chọn giải pháp, em làm ca ngày, anh làm ca đêm. Vì vậy, 2 vợ chồng... chỉ gặp nhau ngày chủ nhật. 

Vợ chồng chị Nguyễn Minh Hạnh, công nhân quê ở Nam Định là một ví dụ. Chị kể, chị được 2 đứa con. Đứa lớn gửi ở quê với bà ngoại, còn đứa nhỏ mới giáp năm ở với vợ chồng chị. Nếu gửi con cho nhà trẻ thì... đi đứt nửa tháng lương, làm sao đủ chi tiêu và gửi về quê nuôi con. Vì vậy, chồng chị xin làm luôn ca đêm vừa lương cao vừa có thể phụ vợ chăm con. Chiều về chị thay ca cho chồng chăm con. Chị Hạnh nói: “Tuy có vất vả nhưng vợ chồng tôi vừa có thể đi làm, vừa chăm con. Chỉ hơi buồn, chiều về gia đình người ta sum họp còn mình thì lủi thủi... Vợ chồng chỉ gặp nhau ngày chủ nhật, nhiều khi công ty có tăng ca ngày chủ nhật tôi làm luôn để kiếm thêm thì coi như nửa tháng”.

Chung hoàn cảnh ấy, chị Lê Thị Anh, đến từ Hà Tĩnh lại nói vui: “Thấy vợ chồng người ta chửi lộn, đánh nhau ầm ầm phát ngán... Vợ chồng tôi thời gian nói chuyện còn không có lấy đâu mà đánh nhau. Mình đi làm về, ăn xong bữa cơm là chồng vào ca. Sáng chồng về, ăn vội bữa sáng là đến giờ mình vô ca...”.

Nhập cư, ở trọ, đồng lương ít ỏi khiến cho nhiều chị em bị thiệt thòi. Họ không có điều kiện để nâng cao trình độ hay có quyền đòi hỏi gì cho riêng mình. Tuy nhiên bù lại, họ tìm được niềm vui từ chính gia đình của mình. Chồng chăm làm, biết chia sẻ với vợ thì không phải ai có cuộc sống sung túc đều có thể có.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên