Thanh An trên đường trở thành nông thôn mới kiểu mẫu

Cập nhật: 07-07-2022 | 08:36:57

Cuối tháng 6-2022, chúng tôi có chuyến công tác về xã nông thôn mới Thanh An, ghi nhận nền kinh tế của vùng quê anh hùng đang có nhiều chuyển biến, phục hồi và khởi sắc rõ nét. Với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện, các cụm dân cư dần hình thành và tạo nên những mảng màu sáng trong bức tranh tổng thể nơi đây.

 Cơ sở hạ tầng của Thanh An được đầu tư xây dựng xứng tầm, hiện đại. Trong ảnh: Trường Mầm non Thanh An đáp ứng tốt việc học tập, vui chơi của thiếu nhi trên địa bàn

 Kinh tế khởi sắc

Ông Nguyễn Thành Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã ước đạt 830,7 tỷ đồng, tăng 0,65% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 309 tỷ đồng, tăng 0,65%; giá trị thương mại - dịch vụ đạt 190 tỷ đồng, tăng 0,53%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 331,7 tỷ đồng, tăng 0,73%.

Nhìn vào số liệu tăng trưởng các thành phần kinh tế của Thanh An có thể khẳng định, dù gặp phải những khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng trong nửa đầu năm 2022 kinh tế của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, phục hồi nhanh. Trong đó, sự phục hồi đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã được lãnh đạo huyện đánh giá là tích cực và đáng khích lệ. Ghi nhận cho thấy hiện tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Thanh An nói riêng và huyện Dầu Tiếng nói chung đã đi vào ổn định trở lại.

Thực hiện chủ trương chung của huyện về việc tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, thời gian qua Đảng ủy, UBND xã Thanh An thường xuyên phối hợp các phòng ban chức năng huyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp từ truyền thống kém hiệu quả sang chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, đến nay dù cao su vẫn là cây trồng chủ lực với khoảng 3.550 ha, nhưng tổng diện tích trồng đã và đang có xu hướng giảm dần, diện tích trồng các loại cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… gia tăng đáng kể.

Cùng với sự thay đổi lĩnh vực trồng trọt, thời gian gần đây ngành chăn nuôi của Thanh An cũng có sự tăng trưởng rõ nét. Lãnh đạo địa phương cho biết hiện xã đang tập trung toàn lực hỗ trợ người dân phát triển đàn bò sinh sản. Trong nửa đầu năm 2022, địa phương đã triển khai tiêm 528 liều vắc xin phòng lở mồm long móng cho trâu, bò; 1.872 liều cho heo; 27.917 liều phòng dịch cúm gia cầm cho gà, vịt…; đồng thời tích cực triển khai lực lượng hỗ trợ người dân phun xịt sát trùng chuồng trại để phòng dịch trên vật nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, toàn xã đã tổ chức 2 đợt phun xịt chuồng trại với tổng diện tích được phun xịt khử khuẩn tương ứng khoảng 168.000m2.

Bà Lê Thị Bích, người dân ấp Bến Tranh, xã Thanh An, cho biết dù tình hình hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã còn khá khiêm tốn, nhưng hàng hóa tiêu dùng cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đó, ngoài hệ thống chợ truyền thống Thanh An với tổng diện tích nhà lồng chợ lên đến 1.437m2 đang hoạt động hiệu quả, ổn định, hiện trên địa bàn xã cũng đã có khá nhiều cửa hàng hoạt động. Số lượng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã hiện nay đã tăng từ 50 - 70% so với thời điểm năm 2015.

Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2010, được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thanh An đã bắt tay vào xây dựng một cách quyết liệt, khẩn trương. Sự quyết tâm, kiên trì và chung sức chung lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, toàn dân và sự hỗ trợ nhiệt tình của huyện, tỉnh đã giúp Thanh An chính thức hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới vào cuối năm 2013.

Sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thanh An tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng, nâng cấp để trở thành xã nông thôn mới nâng cao và chính thức được công nhận vào năm 2 018.

Những ngày hè năm 2022, trở về với vùng quê Thanh An yên bình bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng sẽ cảm nhận được sự đổi thay, phát triển. Những con đường đất, sỏi đỏ ngày nào đã được thay thế bằng những con đường giao thông nông thôn bê tông, nhựa rộng 6 - 7m, kết nối trực tiếp với những trục đường huyết mạch được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ông Nguyễn Thành Dự, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết đến nay xã đã tập trung các nguồn lực để phát triển và không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như giao thông nông thôn, kết hợp chỉnh trang đô thị. Đến nay, tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn đã đạt 100%, trong đó bê tông và nhựa hóa đạt 40%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch, 100% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để.

Thống kê của địa phương cho thấy chỉ trong năm 2021, xã triển khai kế hoạch vận động xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cấp đường làng, ngõ xóm và làm đèn chiếu sáng đường giao thông nông thôn trên 8 ấp. Đến đầu năm 2022, đã có 8/8 ấp triển khai vận động nhân dân thực hiện hoàn thành 29/26 công trình đăng ký, đạt 111,5% so với kế hoạch đầu năm, gồm 11 công trình đường giao thông ngõ xóm trị giá 829,6 triệu đồng, 3 công trình đèn chiếu sáng trị giá 79 triệu đồng, 15 công trình cải tạo cảnh quan khu dân cư, xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp trị giá 284,8 triệu đồng, tổng số tiền vận động hơn 1,19 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục hỗ trợ Thanh An xây dựng, nâng cấp các tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, thời gian tới huyện tiếp tục có hướng bố trí các nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ Thanh An đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, phát triển.
ĐÌNH THẮNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1113
Quay lên trên