Năm 2012 - năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, năm để hai người anh em Việt - Lào nhìn lại tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sắt son, hiếm thấy trên thế giới. Nước Lào trong ánh mắt, trái tim người dân Việt Nam là nước Lào yêu mến, người bạn kề vai sát cánh, nghĩa tình sâu nặng. Trong những ngày ở Viêng Chăn - thủ đô Lào, chúng tôi ghi nhận được những cảm xúc đặc biệt của người dân Việt Nam dành cho đất nước bạn Lào và ngược lại. Quảng trường Patuxay tuyệt đẹp
Viêng Chăn với nhiều cảm xúc
Trước khi đến Lào, trong ký ức tôi, đất nước bạn Lào là đất nước “Triệu voi”, xứ sở của hoa Chămpa tinh khiết, thơm ngát. Sau khi ngồi trên chiếc máy bay VN 920 từ TP.HCM đến Phnom Penh (Campuchia) và từ Phnom Penh đến Vientiane (Viêng Chăn, Lào) khoảng hơn 3 giờ đồng hồ (kể cả thời gian chờ quá cảnh ở Phnom Penh) trong một ngày cuối tháng 10- 2012, Viêng Chăn tĩnh lặng, yên ả, cảm xúc đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Ấn tượng đầu tiên trong tôi là ở Viêng Chăn có hệ thống giao thông khá tốt, người dân tuân thủ luật giao thông nghiêm túc, không nghe một tiếng còi trên đường phố. Trong khi dòng xe ô tô khá lớn, hai bên đường xe ô tô bán tải đậu san sát nhau. Biển số xe màu xanh, màu đỏ, màu trắng và cả màu vàng cứ nối đuôi nhau lưu thông trật tự. Thấy tôi tò mò, anh Bunthavy chuyên viên văn phòng đại diện tại Viêng Chăn thuộc Tổng Công ty Hợp tác Kinh tế Việt - Lào giải thích: “Ở Viêng Chăn, có khoảng 1 triệu dân trong tổng số 6,8 triệu dân cả nước Lào. Do giá xe ô tô nhập khẩu rẻ nên trung bình 2 người dân có một chiếc ô tô. Mặc dù xe nhiều nhưng người dân tuân thủ luật nghiêm túc, rất hiếm trường hợp kẹt xe và bóp còi inh ỏi”. Cũng theo anh Bunthavy, ở Viêng Chăn có khoảng trên 30.000 người dân Việt Nam sinh sống và thường xuyên qua lại để trao đổi, hợp tác kinh tế -thương mại, trong đó có cả ngàn cặp gia đình Việt - Lào, Lào - Việt.
Theo quan sát của chúng tôi, thủ đô Viêng Chăn đẹp yên ả, tĩnh lặng, trên suốt chặng đường đi, hàng quán ven đường rất ít. Buổi tối, người dân ở Viêng Chăn ngủ sớm nên đến khoảng 8 - 9 giờ tối, đường phố tĩnh lặng, an bình. Cũng nhân dịp đến tham quan Viêng Chăn trong những ngày đất nước bạn tổ chức đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ các nước ASEAN lần thứ nhất với chủ đề “Tăng cường triển vọng giới và quan hệ đối tác của Phụ nữ ASEAN vì môi trường bền vững” nên anh Bunthavy đã căn dặn đoàn chúng tôi giờ giới nghiêm ở Lào từ 10 giờ đêm trở đi, các nơi vui chơi, giải trí sẽ ngưng phục vụ. Do vậy, anh em trong đoàn tranh thủ ghé thăm Quảng trường Patuxay (Khải Hoàn Môn). Patuxay nhìn tổng thể như Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp) nhưng phần mái và họa tiết trang trí mang đậm phong cách văn hóa của người Lào. Phóng viên Báo Bình Dương (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với ngài Thủ tướng Lào Thoong Sing Thăm Ma Vông tại nhà riêng của Thủ tướng ở Viêng Chăn
Tham quan các khu di tích, danh lam thắng cảnh ở Viêng Chăn, chúng tôi có cảm xúc dung dị, gần gũi, bình yên lạ thường, nhất là tại các ngôi đền chùa cổ kính. Ở Viêng Chăn cũng đang hội nhập nhưng cái cách hội nhập ở đây không ồn ào, náo nhiệt mà tĩnh lặng một cách tạo cảm giác bình yên, an toàn và rất lạ với nhiều thành phố khác trên thế giới. Giải thích với chúng tôi, tài xế, kiêm hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Văn Tuấn - người có thâm niên hơn 10 năm trong ngành du lịch ở Viêng Chăn cho biết: “Ở Lào, trên các đài phát thanh, truyền hình chương trình Phật giáo luôn được phát sóng để giáo dục con người. Chắc có lẽ đạo đức phật học đã thấm sâu vào lòng dân tộc, tạo thành nếp thể hiện qua cách ứng xử và sinh hoạt hàng ngày đã tạo ra phong cách sống tốt và thật thà. Đó là cách sống hội nhập bình yên và an toàn có chiều sâu triết lý”.
Tham quan đường phố Viêng Chăn cũng cho tôi cảm giác rất gần gũi Việt Nam. Dọc theo các tuyến đường lớn, rất nhiều bảng hiệu ghi chữ Việt Nam. Đó là bảng hiệu Sacombank, chùa Phật Tích, trường Nguyễn Du 2, các bảng hiệu công ty Việt - Lào, Lào -Việt, các hàng quán phở Hà Nội, bún bò Huế, hủ tiếu Sài Gòn, nhà hàng, khách sạn Lào - Việt… tất cả cho chúng tôi cảm xúc tình bằng hữu Việt - Lào rất tuyệt và dịu dàng. Đi đến đâu, tôi chỉ nói “Vietnamese” là được chào đón thân thiện. Buổi tối, chúng tôi đi trên chiếc xe “tuk tuk” do anh Vipay chở với giá 80.000 kíp để tham quan Viêng Chăn tĩnh lặng, yên ả. Sau khi biết chúng tôi là người Việt Nam, anh Vipay nắm chặt hai bàn tay lại nói vanh vách về mối quan hệ anh em đặc biệt Việt - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính người đồng chí Tổng Bí thư Kay Xỏn Phôm Vi Hản, Hoàng Thân - Chủ tịch Sou Pha Nou Vông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Anh kể xong, luôn miệng nói: “OK, Việt Nam, Việt Nam, OK!” càng tạo cho chúng tôi một cảm giác gần gũi, thân thiện và an toàn khi được anh chở tham quan ở Viêng Chăn như chính ở quê hương mình.
Gặp những con người đặc biệt
Cảm giác đặc biệt nhất của chúng tôi khi tham quan Viêng Chăn lần này là cả đoàn Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong Sing Thăm Ma Vông mời đến nhà riêng chiêu đãi bữa cơm thân mật. Nhiều người lần đầu đi sang thăm Lào ấn tượng với ngài Thủ tướng Thoong Sing Thăm Ma Vông khi ngài sử dụng tiếng Việt một cách lưu loát để trao đổi thân thiện với đoàn Việt Nam. Vừa dùng cơm và uống trà thân mật, ông vừa chia sẻ về mối quan hệ anh em đặc biệt Việt - Lào. Đó là mối quan hệ sống chết có nhau, cọng rau chia nửa, hạt muối cắn đôi, tất cả vì nền tự do độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước Việt - Lào. Trong những năm gần đây, những thành công trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước Lào, có những đóng góp to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Và ngược lại, sự thành công của Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng có sự đóng góp quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào. Đây chính là tài sản vô giá, sẽ được hai bên gìn giữ và không ngừng tô thắm cho mối quan hệ đặc biệt, hiếm thấy trên thế giới.
Ấn tượng thứ hai trong những ngày tham quan đất nước bạn Lào là chúng tôi vinh dự được anh Vinaythông - con trai của Hoàng Thân, Chủ tịch Sou Pha Nou Vông dành cả một ngày để dẫn đoàn Việt Nam tham quan, cùng ăn những món đặc sản Lào - Việt như xôi Lào, cơm Việt Nam nấu theo kiểu Lào. Anh Vinaythông cũng nói tiếng Việt lưu loát và kể về tình đoàn kết anh em Việt - Lào chung thủy, sắt son. Anh cho hay, đất nước Việt Nam, quê hương Việt Nam, con người Việt Nam rất thắm thiết với đất nước và người dân Lào. Nhiều thế hệ cán bộ của Lào đã được học tập và trưởng thành ở Việt Nam, nay về Lào phục vụ quê hương, đất nước nên trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ ở Lào, Việt Nam như quê hương thứ hai khó quên. “Người Lào và người Việt sống nghĩa tình, chung thủy và sắt son, cùng chia sẻ khó khăn và ngọt ngào nên đây là tình hữu nghị đặc biệt, tồn tại vĩnh cửu. Ở Viêng Chăn, người Lào và người Việt sống gắn bó, nghĩa tình trong sáng, thương yêu nhau như một mái nhà” - anh Vinaythông cảm nhận.
Kỳ 2: Sắt son tình hữu nghị Việt - Lào
HỒ VĂN