Thanh bình đất nước “Triệu voi”

Cập nhật: 31-10-2012 | 00:00:00

Vun đắp thêm tình hữu nghị

Những ngày ở Viêng Chăn, tôi được sắp xếp ở khách sạn Keomixay, trên đường T2, Viêng Chăn. Tôi cũng không ngờ rằng chính ông chủ, bà chủ khách sạn này cũng là người Việt Nam. Do vậy, khi có đoàn Việt Nam đến ở, nơi tiếp tân luôn có một nhân viên tên Thảo - người Việt tiếp đón, phục vụ ân cần bằng tiếng Việt. Chị Thảo cho hay, khu vực này, người Việt Nam sống khá nhiều, sống lâu nên hòa hợp luôn thành người Lào nên ai mới sang khó biết đâu là người Việt, đâu là người Lào, vì họ luôn nói tiếng Lào, chỉ khi gặp người Việt, họ mới giao tiếp bằng tiếng Việt.  

Một góc phố người Việt ở Viêng Chăn

Qua chỉ điểm của chị Thảo, tôi tìm đến quán hàng ăn Thao Trà Lơn của chị Nguyễn Thị Thu Hương cách khách sạn khoảng 50m. Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu viết bài tuyên truyền trên báo Việt, chị Thủy vui vẻ nhận lời và tiếp đón ân cần, nồng hậu. Chị cho biết, gia đình chị từ Phú Thọ qua sống ở Viêng Chăn được hơn 20 năm nay, chồng chị là người Lào. Hiện nay, chị có 3 cháu đều học ở trường Nguyễn Du 2 - ngôi trường Việt ở Viêng Chăn được bà con Việt kiều và Chính phủ Việt Nam cùng chung sức xây dựng. Nơi đây, cũng là nơi gặp gỡ thân quen của Việt kiều tại Viêng Chăn. Hầu hết con em người Việt đều học ở ngôi trường đặc biệt 4 cấp này (từ mẫu giáo đến trung học) và được dạy bằng hai thứ tiếng Việt - Lào cho học sinh người Việt. Qua các hoạt động của nhà trường đã tạo cho con em chúng tôi có môi trường để thực hành tiếng Việt nhiều hơn, kích thích sự yêu thích nói tiếng Việt và hơn nữa là bồi đắp tình yêu quê hương Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Chị Thu Hương cho biết, mặc dù sống và định cư ở Viêng Chăn nhưng mỗi năm chị đều về thăm quê hương đất tổ Phú Thọ ít nhất 1 lần. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình chị từ việc buôn bán hàng ăn Việt như cháo lòng, bún lòng và nước giải khát theo phong cách Hà Nội. Nhiều người bạn Lào ăn riết cũng quen dần với món ăn Việt. Họ khen món ăn Việt ngon, bổ, rẻ. Do vậy, buổi sáng hàng ngày, quán ăn của chị đắt hàng như tôm tươi.  

Một góc phố tại Lào

“Ở Viêng Chăn, người Lào quý mến người Việt như anh em ruột thịt. Sống gắn bó, hòa hợp, đoàn kết, thương yêu nhau. Cuộc sống của gia đình tôi và nhiều gia đình người Việt ở Viêng Chăn sống rất ổn định nhờ chính quyền nơi đây tạo mọi điều kiện cho người Việt làm ăn, buôn bán. Hơn 20 năm sống ở đây, tôi chưa nghe có trường hợp nào mất cắp. Họ sống tốt, hiền hòa, trung thực thì người Việt ở Lào cũng tập sống như vậy để vun đắp tình hữu nghị, tình bằng hữu anh em đặc biệt Việt - Lào”, chị Thu Hương cảm nhận.

Tăng cường vốn đầu tư

Người Lào hiền hòa, gần gũi, sống thực chất với lòng và nghĩa tình sâu nặng với người Việt. An ninh ở Viêng Chăn cực kỳ tốt nhờ đạo đức phật giáo làm nền tảng xã hội. Đó là những tố chất cuốn hút dòng chảy người Việt chịu sống và làm ăn trên đất nước bạn Lào để vun đắp tình hữu nghị. Đối với nhiều người Việt, Viêng Chăn yên bình, gần gũi nên họ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ 2 của mình. Chị Huỳnh Thị Thủy - người Hà Nội, chủ nhà hàng Lào - Việt ở phố La Xây, Viêng Chăn là một điển hình như thế. Chị kể, sau một thời gian sang Viêng Chăn sống và làm việc, tôi thấy con người, đất nước bạn hiền hòa và yêu mến người Việt một cách đặc biệt nên đã quyết định đầu tư nhà hàng hơn 1 năm nay. Những công thức nấu ăn của chị hoàn toàn Việt Nam nhưng thực phẩm mua ở Lào nên các món ăn Lào - Việt đều đặc biệt thơm ngon, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chị Thủy cho hay: “Cuộc sống ở Lào bình dị, thoải mái. Đây cũng là một tiêu chí giúp nhiều người Việt đầu tư ở Viêng Chăn, tiếp tục đóng góp cho đất nước bạn Lào, vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào”.

Rất nhiều người Việt Nam đã từng sống, chiến đấu trên đất nước bạn Lào với nghĩa tình sắt son, thủy chung đã quyết định chọn Viêng Chăn để sống và công hiến. Đó là bà Đào Hương - một doanh nhân Việt trên đất bạn Lào. Ngày dẫn chúng tôi dùng buổi cơm thân mật tại nhà hàng Lào - Việt, bà không ngớt lời khen ngợi Nhà nước, Chính phủ Lào đã tạo điều kiện cho người Việt Nam đầu tư nhiều công trình lớn và làm ăn hiệu quả. Bà Đào Hương cảm nhận: “Trong mấy năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đang có nhiều khởi sắc. Chính phủ hai nước Lào - Việt đã tạo mọi điều kiện để nhiều dự án 100% vốn Việt có mặt ở Lào. Đây là một dấu hiệu tích cực để người Việt phát huy hiệu quả kinh tế song phương, góp phần tô thêm tình đoàn kết hữu nghị, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới”.

Còn đối với ông Nguyễn Trần Vinh - một người lính quân y tình nguyện trên đất nước bạn Lào thì giờ đã trở thành một ông chủ phát đạt với nhiều khách sạn, tiệm bán hàng quần áo ở Viêng Chăn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một người lính năm 1975, ông đã bước sang làm ăn kinh tế tại Lào trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản, vàng bạc đá quý... Sau nhiều năm bám trụ trên đất nước bạn Lào, cả gia đình ông ai nấy cũng ăn nên làm ra. Ông chia sẻ: “Ở Lào, người Việt là anh em ruột thịt, được Đảng, Nhà nước Lào tạo mọi điều kiện sinh sống. Ở Lào làm ăn trung thực, uy tín và tuân thủ pháp luật là thước đo thương hiệu. Do vậy, rất nhiều người Việt ở Viêng Chăn đã tuân thủ nguyên tắc này nên đều làm ăn khá giả và có nhiều uy tín trong xã hội Lào. Khi người Việt làm ăn hiệu quả, họ lại tiếp tục đầu tư cho xã hội Lào. Đây là cái cách mà những người Việt ở Viêng Chăn vun đắp tình hữu nghị sắt son Việt - Lào”.

Đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết, tính đến thời điểm giữa năm 2012, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam trên đất nước bạn Lào trên 400 dự án lớn, nhỏ với số vốn đầu tư gần xấp xỉ 4 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư vào Lào. Các ngân hàng lớn của Việt Nam như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã có mặt tại Viêng Chăn. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư nhiều vốn tại Lào và hiện tại mạng thông tin di động của Viettel đã phủ sóng gần như toàn bộ lãnh thổ Lào. Chi nhánh của Viettel tại Lào cũng là một trong những doanh nghiệp nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất nước Lào. Hiện tại, hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ Việt - Lào đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD trong năm 2012 và 2 tỷ USD vào năm 2015.

 Kỳ cuối: Chí thú làm ăn trên đất bạn

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên