Thanh bình đất nước “Triệu voi”

Cập nhật: 01-11-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Nước Lào mến khách

Kỳ 2: Sắt son tình hữu nghị Việt – Lào

Kỳ 3: Chí thú làm ăn trên đất bạn

Trước khi rời khỏi Viêng Chăn, chúng tôi tranh thủ ghé tham quan chợ Sáng - ngôi chợ thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó của người Việt và người Lào. Sau đó, chiếc xe của hãng Mai Linh đã đưa chúng tôi ngắm nhìn toàn cảnh dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc theo con đường bộ đến cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) về Việt Nam.    Người Việt và người Lào cùng nhau buôn bán tại chợ người Việt trên đất Lào Ảnh: M.DÂN

Người Việt ở chợ Sáng

Khi đến tham quan chợ Sáng, Viêng Chăn, chúng tôi cũng không ngờ rằng, chợ này lại đông người Việt buôn bán đến thế. Ông Nguyễn Minh Thông, người Việt sống ở đường T2, Viêng Chăn hơn 20 năm nay cho biết, chợ Sáng là trung tâm thương mại lớn và nổi tiếng tại Viêng Chăn với hơn 60% người gốc Việt buôn bán. “Nếu qua Viêng Chăn, không ghé chợ Sáng là một thiệt thòi”, ông Thông khẳng định. Quả thật, khi đến chợ Sáng chúng tôi thật sự bất ngờ khi nghe tiểu thương ở đây dùng đến 3 thứ tiếng Anh, Việt, Lào. Hôm chúng tôi tham quan, trời chưa tối hẳn, có những gian hàng đã chuẩn bị dọn dẹp về nghỉ, nhưng chị Nguyễn Thị Oanh, người bán hàng lưu niệm tại dãy đồ trang sức đã mời khách nước ngoài bằng tiếng Anh rồi quay sang mời chúng tôi bằng tiếng Lào với lời chào “Sămbaiđi” thân thiện. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi là Việt Nam chị ân cần hỏi thăm và tư vấn cho cách mua hàng chất lượng đem về Việt Nam làm quà.

Theo quan sát của chúng tôi, chợ Sáng rộng mênh mông, bán phong phú đủ các loại hàng hóa như trang sức, sản phẩm may mặc, đồ thủ công mỹ nghệ, điện tử, điện thoại và cả những mặt hàng bình dân như bóp, giày, đồ lưu niệm. Ông Thông nói: “Ở chợ Sáng, 60% hàng hóa từ Thái Lan về, còn lại là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Hàng Lào sản xuất rất ít”. Cái lợi lớn nhất khi mua hàng ở chợ này là dùng tiền Việt, tiền Lào, tiền Thái, tất cả tiểu thương đều chấp nhận quy đổi giá trị. Tôi hỏi mua cái đèn pin, một anh bán hàng tên Tâm - người TP.Vinh (Nghệ An) nói ngay “40.000 kíp, tương đương 104.000 đồng tiền Việt”. Tôi đưa anh tờ 100.000 đồng tiền Việt, anh vui vẻ nhận tiền. Đi tham quan hầu hết các gian hàng, tôi cũng bắt gặp nhiều người Lào gốc Việt. Chị Nguyễn Thị Lam, bán hàng trang sức là một ví dụ. Gia đình chị Lam sang Lào năm 1976, 3 năm sau thì chị sinh ra tại Viêng Chăn. Chị Lam nói tiếng Việt lơ lớ: “Em là người Vĩnh Phú, Phú Thọ. Chồng em người Lào. 4 năm nay em chưa có dịp về thăm ông bà ngoại. Nhớ quê lắm nhưng bận buôn bán nên đành hẹn cuối năm nay”.   Mua hàng ở chợ Sáng, Viêng Chăn

Ông Thông giải thích thêm, người Việt ở chợ Sáng này đều khá giả. Có gia đình người Việt 3 đời đều bán ở chợ này và đã hòa hợp với người Lào tình sâu nghĩa nặng. Gia đình Việt - Lào ở chợ Sáng cũng nhiều lắm. Họ buôn bán cùng nhau, lấy nhau, sinh con đẻ cái, tất cả đều con rồng cháu tiên của Việt Nam cả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người Việt ở chợ Sáng luôn hướng về Tổ quốc, nhớ quê nhà, nhớ hình ảnh Hà Nội, nhớ Vua Hùng đất tổ Phú Thọ, nhớ núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), nhớ TP.Huế dịu dàng. Mỗi năm, người Việt ở chợ Sáng đều có nhiều đóng góp tiền, quà gửi về quê nhà. Có người làm ăn khá giả đã đóng góp từ thiện xã hội rất lớn trên đất nước bạn Lào hoặc thông qua Tổng hội người Việt Nam tại Lào đóng góp xây dựng trường học, chùa ở Viêng Chăn… “Việc làm của những tiểu thương chợ Sáng đã tạo gắn kết nghĩa tình, vun đắp, tô thêm vẻ đẹp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, góp phần giáo dục cho nhiều thế hệ con cháu Việt - Lào sống tốt, sống nghĩa tình để phát huy tình hữu nghị sắt son, thủy chung, trong sáng bao đời nay của cha anh”, ông Thông cho hay.

Chiêm ngưỡng dãy Trường Sơn hùng vĩ

Chia tay Viêng Chăn, chiếc xe của hãng Mai Linh đã đưa chúng tôi về cửa khẩu Mận Phao của Lào, phía Việt Nam là cửa khẩu Cầu Treo. Chỉ có đi bằng đường bộ, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Trước đây, tôi từng nghe bài hát bất hủ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật nói về sự hy sinh cao cả của những người chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Hay bài hát “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của nhạc sĩ Hoàng Hà “Muôn dặm Trường Sơn, ta lại chia tuyến đường đi đánh Mỹ. Đi giải phóng quê nhà, tới chiến trường xa. Mỗi bước tôi đi, lòng càng nhớ bao đồng chí. Những người chiến sĩ yêu nước Lào, gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn…” thì hôm nay, tôi thật sự rung động bởi dãy núi Trường Sơn hùng vĩ mang nhiều dấu ấn lịch sử Việt - Lào trong quá trình giải phóng dân tộc. Xe chúng tôi chạy 300 - 400km giữa rừng nguyên sinh bát ngát, nhìn về phía Việt Nam là những hàng cây xa xa cao ngất ngưởng trên dãy núi Trường Sơn dài nhất Việt Nam và Lào với chiều dài trên 1.000km.

Thấy tôi có vẻ thích thú với dãy núi này khi liên tục muốn xe dừng lại để ngắm nhìn. Anh tài xế tên Tuấn giải thích, dãy núi này kéo dài từ thượng nguồn sông Cả trên đất bạn Lào, phía bên kia dãy núi là Việt Nam từ Nghệ An tới cực Nam Trung bộ. Anh Sơn - một cán bộ ở TP.Vinh - người đi cùng xe giải thích thêm: “Dãy Trường Sơn - biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào là bức tường thành hiểm yếu, tạo điều kiện cho hai nước tựa lưng vào nhau, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Tại đây, có nhiều vị trí chiến lược khống chế những địa bàn then chốt về kinh tế, quốc phòng rộng lớn của cả hai nước, có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho Việt Nam và Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Qua lời giải thích của anh Sơn, chúng tôi hình tượng ra những người lính năm xưa xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và những đoàn quân Việt Nam và cả phía Lào ngày đêm hành quân trên đường mòn dọc theo hai bên sườn núi dãy Trường Sơn, thật anh dũng và oai hùng. Câu chuyện của chúng tôi chưa dứt thì xe đã đến cửa khẩu Mận Phao của Lào. Trên suốt tuyến đường, chúng tôi cũng gặp gỡ những người dân Lào và Việt sống dọc biên giới để tìm hiểu về cuộc sống của họ. Khi biết chúng tôi lần đầu sang Lào, ai cũng hồ hởi, thân thiện trao đổi về lịch sử oai hùng của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ này.

Vừa qua cửa khẩu Cầu Treo, xe đưa chúng tôi tiếp tục về TP.Vinh. Tôi đã ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy, tôi vẫn nhớ con người, cảnh vật trên suốt chuyến đi, nhớ dãy Trường Sơn hùng vĩ, oai hùng, nhớ món xôi tuyệt ngon của Lào, nhớ những điều tốt đẹp của người Lào dành cho người Việt anh em, nhớ những cách cư xử thân thiện, gần gũi, mến khách của người Lào, nhớ những lời chào “Sămbađi” dễ mến… Tất cả những hình ảnh đó đã nói lên được một tình cảm đặc biệt, sắt son, thủy chung và trong sáng của tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Xin chào đất nước Lào thanh bình và mến khách!

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên