Thành công từ mô hình kinh tế tổng hợp
Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Thà, ấp Đồng Tâm, xã Phước Sang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thành công với mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dám nghĩ, dám làm
Đến xã Phước Sang vào những ngày đầu năm mới 2025, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thà khi anh đang chăm sóc vườn dưa lưới cùng đàn vịt xiêm của gia đình. Qua trò chuyện, tìm hiểu, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí và nghị lực dám nghĩ, dám làm của anh Thà.
Anh Thà cho biết cách đây hơn 4 năm, khu đất của gia đình anh trồng cao su. Tuy nhiên, nhận thấy cây cao su dần không đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã suy nghĩ, tìm tòi các loại giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế hơn để thay thế cây cao su. Sau khi tham quan, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện, được biết có nhiều người thành công với mô hình trồng dưa lưới, nên anh đã nghiên cứu. Đến năm 2020, anh chuyển đổi từ cây cao su sang trồng dưa lưới. Từ nguồn vốn của gia đình, cộng với nguồn vốn vay, anh đã đầu tư 750 triệu đồng để trồng 8.000 dây dưa lưới trên diện tích 2.700m2, với nhiều giống dưa lưới như TL3, Huỳnh Long...
Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên vườn dưa lưới của anh Thà đã mang lại “trái ngọt”. Đến nay, vườn dưa lưới của anh cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mới đây sản phẩm dưa lưới TL3 của anh được công nhân đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2024.
Luôn nhạy bén, cập nhật kiến thức
Thành công bước đầu của vườn dưa lưới đã tiếp thêm động lực để anh Thà mở rộng mô hình kinh tế của mình. Năm 2023, anh Thà tiếp tục nghiên cứu và trồng thêm 350 gốc mít ruột đỏ trên diện tích 0,6 ha. Tận dụng diện tích vườn mít, anh đầu tư nuôi thêm vịt xiêm với mục đích lấy ngắn nuôi dài.
“Ban đầu tôi chỉ trồng cây dưa lưới. Sau đó, tôi nhận thấy mít ruột đỏ được người dân ưa chuộng và giá thành ổn định nên quyết định trồng thêm loại mít này. Sau đó, thông qua mạng xã hội tôi thấy nhiều nông dân thành công với việc nuôi vịt kết hợp với trồng cây ăn trái nên tôi cũng muốn thử mô hình này. Việc nuôi vịt xiêm dưới tán vườn mít vừa có thể tận dụng đàn vịt để diệt cỏ trong vườn cây vừa tận dụng chất thải chăn nuôi để ủ phân bón hữu cơ cho cây trồng. Phương pháp này tạo ra lợi ích kép cho chăn nuôi và trồng trọt, tăng hiệu quả kinh tế”, anh Thà tâm tình.
Cũng theo anh Thà, vịt xiêm khá dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thịt thương phẩm cao, thịt có vị thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn. Đó là lý do vì sao anh chọn vịt xiêm để nuôi, thay vì vịt trắng. Nuôi vịt thả vườn tuy chuồng trại nuôi chỉ cần giăng lưới dưới tán cây trong vườn nhưng người nuôi phải biết được bệnh của vật nuôi và chăm sóc chúng cẩn thận mới thu được kết quả như mong muốn. Hiện nay, nhờ tăng đàn hàng tháng nên mỗi tháng anh xuất bán gần 2.000 con vịt xiêm ra thị trường với nguồn thu ổn định từ 50-70 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về kinh nghiệm để thực hiện thành công mô hình kinh tế tổng hợp này, anh Thà cho biết nông nghiệp là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường và nhiều yếu tố khác. Muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi người nuôi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Vì vậy, hàng ngày anh luôn dành thời gian tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học - kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nhu cầu của thị trường… trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Anh cũng thường xuyên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Thà cho hay anh sẽ trồng thêm các loại cây ăn trái cho thu nhập cao, để vừa tăng thu nhập vừa đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi.
Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Thà không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương. Anh Thà cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn trái cho các hộ gia đình trong xã có nhu cầu. Thời gian qua, có nhiều nông dân ở địa phương đến tham quan, học tập mô hình nuôi trồng của anh Thà. |
HỒNG PHƯƠNG - LÝ HUY