Với mô hình trồng hoa lan mokara, mỗi năm ông Nguyễn Thành Giàu, khu phố Kiến An, phường An Điền, TP.Bến Cát thu về từ 400-500 triệu đồng.
Mô hình trồng lan mokara của gia đình ông Giàu giúp nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp địa phương
Đến thăm vườn lan của ông Nguyễn Thành Giàu đúng lúc ông đang tỉ mỉ chăm sóc, nâng niu từng cành lan. Có lẽ, những lúc như thế này, ông chủ vườn lan rộng 6.000m2 đang được sống trong niềm đam mê của riêng mình. Trong khu vườn, những cây hoa lan lớn, nhỏ đều xanh mướt. Thời điểm này, vườn đang giai đoạn “ém hoa”, chỉ lác đác một vài cây có hoa với các màu chủ đạo như vàng, hồng, đỏ. Theo ông Giàu, sau thời gian thu hoạch cần có thời gian dưỡng cây. Hơn nữa, thời điểm này nhiều nơi đang thu hoạch hoa lan, ông Giàu “ém hoa”, chọn thu hoạch vào thời điểm khác để có giá tốt hơn, chất lượng hoa cũng cao hơn.
“Trên thị trường có nhiều chủng loại mokara. Gia đình chọn mokara vàng nến là chủ đạo vì loại hoa này lâu tàn, trung bình khoảng 15 ngày, các loại khác chỉ khoảng từ 7-10 ngày. Trong vườn có khoảng 30.000 cây, mokara vàng nến chiếm 20.000 cây. Những tháng trong năm tôi thường cắt cành bán, dịp Tết Nguyên đán bán cả cây và cành. Chỉ riêng mấy ngày tết thu nhập lên tới 100 triệu đồng”, ông Giàu cho hay.
Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với hoa lan, ông Giàu chia sẻ thêm: “Tôi đam mê và có nghề sinh vật cảnh. Nhận thấy hoa lan được nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng, trồng lan mokara đem lại kinh tế ổn định, năm 2014 tôi trồng thử nghiệm 200 cây. Thổ nhưỡng, nguồn nước nơi đây phù hợp để trồng lan, thị trường ổn định nên tôi quyết định mở rộng dần quy mô với khoảng hơn 30.000 cây như hiện nay”.
Cái hay của trồng hoa lan mokara đó là chỉ đầu tư mua giống lần đầu, sau đó các nhà vườn có thể tự nhân giống. Thời gian đầu, ông Giàu đặt mua giống cây từ Thái Lan và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giao hàng tận nơi cho các cửa hàng, các shop hoa tươi. Sau thời gian gầy dựng, vườn lan của ông Giàu được nhiều người biết đến, khách hàng đến tận vườn thu mua.
Cũng theo ông Giàu, làm kinh tế từ lan phải có tình yêu, lòng đam mê với hoa lan. Từ việc chăm sóc, thăm bệnh phải thường xuyên để kịp thời phát hiện xử lý. Mặc dù có kinh nghiệm làm sinh vật cảnh, thời gian đầu ông Giàu vẫn nghiên cứu kỹ thuật trồng, tham gia các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm trồng lan, tìm đến không ít vườn lan để trải nghiệm thực tế. Sau thành công đã được khẳng định, ông không ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong các lớp dạy nghề về sinh vật cảnh tại địa phương.
“Chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình trồng hoa lan khá cao. Nếu trồng cây con sau 8 tháng là có thu nhập, hạ ngọn khoảng 4 tháng là có thu hoạch nhưng vốn nặng hơn, có loại rất khó trổ hoa. Khi bà con nông dân đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình, dựa trên nguồn vốn cũng như khảo sát thổ nhưỡng, nguồn nước tôi sẵn sàng tư vấn phù hợp”, ông Giàu nói.
Ông Lê Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND phường An Điền, cho biết trên địa bàn hiện có nhiều hộ phát triển mô hình trồng hoa lan. Mô hình trồng hoa lan mokara của ông Giàu không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp đô thị tại địa phương.
HẠNH NHI - HỮU TẤN