Thành công với mô hình trồng dưa leo rừng

Cập nhật: 12-11-2024 | 08:45:05

Dưa leo rừng vốn là một giống cây mọc hoang dại với đặc tính ban đầu là trái nhỏ và có vị đắng, nên trước đây ít ai nghĩ tới việc gieo trồng và nhân giống. Năm 2016, ông Ngô Văn Gỡ ở ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng đã bắt đầu nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào mô hình trồng dưa leo rừng. Hướng đi của ông đến nay đang mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

 Ông Ngô Văn Gỡ (trái) hướng dẫn nhân viên đóng gói sản phẩm Dưa leo rừng muối

Những ngày đầu tháng 11, giữa những luống dưa leo rừng xanh mướt và trĩu quả, nông dân Ngô Văn Gỡ đang khẩn trương thu hoạch vụ dưa. Trò chuyện với chúng tôi về cơ duyên với giống cây này, ông Gỡ chia sẻ tất cả xuất phát từ ý tưởng muốn quay về với tự nhiên của ông. Năm 2016, trong một lần đi Bình Phước chơi, ông phát hiện giống cây dưa leo rừng nên lấy vài cây về trồng thử, sau đó ông thấy cây phát triển xanh tốt nên bắt đầu nghiên cứu, từng bước nhân giống.

“Để sản phẩm đưa ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận cần phải có lộ trình. Sau quá trình trồng và chăm sóc được kết quả như mình mong muốn tôi mới gửi mẫu đến cơ quan chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ để phân tích các thành phần của nó và cho ra kết quả rất tốt. Có được kết quả đó, tôi mới mạnh dạn đầu tư để nhân rộng mô hình này. Diện tích trồng dưa leo rừng hiện nay của gia đình tôi là 2,5 ha và đang cho thu hoạch quanh năm. Tất cả đều trồng theo hướng hữu cơ, cho ra sản phẩm an toàn và đạt chuẩn OCOP 3 sao”, ông Gỡ cho hay.

Theo ông Gỡ, để có được kết quả như hôm nay là một quá trình tương đối dài. Khi mới bắt đầu trồng dưa, ông gặp nhiều khó khăn do không có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc loại giống dưa leo rừng, nên những vụ mùa đầu vườn dưa có năng suất kém. Sau đó, ông nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm bón, tưới nước, làm giàn cho giống cây, nên các vụ sau này dưa cho năng suất cao, thị trường tiêu thụ, giá bán ổn định. Ông Gỡ chia sẻ kinh nghiệm, từ khi nhân giống đến khi cây ra trái là khoảng 3 tháng. Để trái không bị đắng, vào mùa khô ông tích cực tưới nước, bón phân để mặt đất có độ ẩm phù hợp với điều kiện phát triển của cây. Khi thấy cây già cỗi cho năng suất thấp thì ông chuẩn bị cây giống mới để gieo trồng đợt mới. Tất cả cây giống đều được ông nhân giống bằng hình thức chiết cành để giữ nguyên được đặc tính của giống dưa leo rừng này.

Hiện tại, vườn dưa leo rừng của ông Gỡ đang cho thu hoạch bình quân 5-7 tấn/ ha. Không chỉ dừng lại ở việc trồng dưa leo rừng, sau khi vườn cho thu hoạch ổn định, ông luôn suy nghĩ để tạo ra sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng. Năm 2018, ông quyết định đầu tư máy móc để làm ra sản phẩm “Dưa leo rừng muối Ngô Văn”. Đến nay, sản phẩm dưa leo rừng muối của ông được hút chân không, đang được phân phối cho các siêu thị như Bách hóa xanh, Co.opmart và các chợ truyền thống...

Mô hình trồng dưa leo rừng của ông Gỡ cho thu nhập ổn định, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 10 lao động ở xã Lai Hưng. Ông Gỡ cho hay thời gian tới ông sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, để sản phẩm của gia đình ông có cơ hội vươn xa và trở thành món ăn thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của mỗi gia đình.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=97
Quay lên trên