Thành lập đội cơ động xử lý sự cố giao thông: Bước đột phá trong giải pháp xử lý ùn tắc, kéo giảm tai nạn

Cập nhật: 16-06-2021 | 09:17:34

Ngày 31-5-2021 Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1461/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gọi tắt là đề án). Đề án này do Công an (CA) tỉnh chủ trì soạn thảo. Sau khi đề án được phê duyệt, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc CA tỉnh để hiểu rõ hơn tiến độ thực hiện đề án cũng như cách thức hoạt động của lực lượng này.

 Người dân hy vọng khi lực lượng cơ động xử lý sự cố giao thông đi vào hoạt động sẽ giảm áp lực cho CSGT, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm. Ảnh: H.PHƯỚC

 P.V: Xin ông cho biết tính cấp thiết của việc phải thành lập đề án?

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên: Bình Dương là địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, có dân số đông nên nhu cầu đi lại sinh hoạt, làm việc, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp là rất cao. Bên cạnh đó, Bình Dương giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nên mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường huyết mạch, các tuyến đường thuộc trung tâm của tỉnh, các tuyến cửa ngõ giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai là rất lớn.

Điển hình như trên tuyến quốc lộ 13 trung bình hàng ngày có trên 28.000 xe ô tô lưu thông; tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn hàng ngày có trên 35.000 lượt xe ô tô lưu thông (chưa kể số lượng xe mô tô, xe máy, số lượng xe của các địa phương khác quá cảnh qua Bình Dương và phương tiện cá nhân của người dân tỉnh khác mang đến Bình Dương tham gia lưu thông). Do đó, Bình Dương được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình trật tự an toàn giao thông.

Thời gian qua, CA tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông - Vận tải và các ngành chức năng tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cũng như triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), cũng như khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh còn diễn biến rất phức tạp. Tuy số vụ và số người chết vì TNGT có giảm nhưng TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng tăng. Tình hình ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm còn xảy ra nhiều và chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Trong khi đó, biên chế của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh hiện nay còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu, nhiệm vụ công tác nên chịu áp lực công việc rất lớn (tính trung bình 1 đồng chí CSGT đang đảm nhiệm quản lý hơn 55km đường bộ). Do lực lượng mỏng nên công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa khép kín địa bàn, khép kín thời gian. Một số vụ TNGT và sự cố giao thông xảy ra nhưng chưa có lực lượng nhanh chóng tiếp cận hiện trường để ứng cứu, xử lý kịp thời như cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản người bị nạn, phối hợp điều tiết, phân luồng, giải tỏa ùn tắc giao thông, khắc phục sự cố... Nhiều vụ dẫn đến ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Theo quy hoạch đến năm 2025, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng mới nhiều tuyến giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, người và phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng, tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, CA tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông. Đây là lực lượng sẽ được thành lập và bố trí ở 9/9 huyện, thị, thành phố. Lực lượng có nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng cơ động để hỗ trợ lực lượng CA giải cứu giao thông, phân luồng, điều tiết giao thông và xử lý các sự cố giao thông theo phương châm 4 tại chỗ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, kéo giảm TNGT, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay.

P.V: Vậy mục tiêu, yêu cầu của đề án như thế nào?

- Mục tiêu chung đặt ra là Đội cơ động xử lý sự cố giao thông được thành lập và đi vào hoạt động phải đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Huy động, sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân tích cực tham gia bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông; góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác xảy ra ở địa phương.

Đồng thời, tổ chức và xây dựng Đội cơ động xử lý sự cố giao thông thực sự là lực lượng cơ động thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp, đột xuất, cùng với các lực lượng chức năng giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; sẵn sàng phối hợp lực lượng khác trong CA để giải cứu giao thông và điều tiết, phân luồng bảo đảm trật tự an toàn giao thông khi có yêu cầu.

Về mục tiêu cụ thể, chúng tôi đề ra mục tiêu đến năm 2022 9/9 huyện, thị, thành phố đều có Đội cơ động xử lý sự cố giao thông, quân số mỗi đội từ 20 - 40 đồng chí, bảo đảm số lượng, chất lượng và các điều kiện đi vào hoạt động đạt yêu cầu, đúng quy định, trở thành lực lượng quan trọng hỗ trợ lực lượng CA làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Việc thành lập và hoạt động của Đội cơ động xử lý sự cố giao thông phải bảo đảm tuân thủ đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 18 ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

P.V: Xin ông cho biết về nguyên tắc hoạt động, cơ chế quản lý cũng như việc tuyển chọn người cho mô hình này?

- Hoạt động của Đội cơ động xử lý sự cố giao thông do lực lượng CA trực tiếp quản lý, chỉ huy, điều hành; tuân thủ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đội cơ động xử lý sự cố giao thông phải phối hợp chặt chẽ với CA xã, phường, thị trấn, Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự, lực lượng 113 bán chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Thành viên Đội cơ động xử lý sự cố giao thông phải chấp hành quy định của pháp luật; không được sử dụng trang phục, phương tiện, tài sản, công cụ hỗ trợ của cơ quan với các mục đích cá nhân; không được tự ý tiếp cận, nghiên cứu các tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước và các tài liệu, văn bản nghiệp vụ CA nhân dân; không sử dụng Đội cơ động xử lý sự cố giao thông thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trinh sát CA nhân dân. Trong trường hợp vi phạm, tùy theo hành vi, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đội cơ động xử lý sự cố giao thông chịu sự quản lý, điều hành và kiểm tra trực tiếp của trưởng CA các huyện, thị, thành phố. Kế hoạch hoạt động Đội cơ động xử lý sự cố giao thông do Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự CA các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, trình trưởng CA cấp huyện phê duyệt và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Thành viên Đội cơ động xử lý sự cố giao thông sinh hoạt chính trị, Đảng, Đoàn tại nơi cư trú. Đối tượng được tuyển chọn tham gia Đội cơ động xử lý sự cố giao thông bao gồm: Công dân thực hiện nghĩa vụ CA nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ; chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đã xuất ngũ; công dân ở địa phương có nhân thân tốt và tự nguyện tham gia...

- Xin cám ơn ông!

 “Theo Quyết định 1461 ngày 31-5-2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông đã đề ra lộ trình thực hiện đề án như sau: Năm 2021, thành lập ở các địa phương: TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát, Tân Uyên. Năm 2022, thành lập ở địa phương còn lại là huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và huyện Bàu Bàng. Năm 2023, tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện đề án để rút kinh nghiệm, khen thưởng, nhân rộng những cách làm hiệu quả, các điển hình tiên tiến và khắc phục những hạn chế thiếu sót, đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Năm 2025, tổ chức kiểm tra, sơ kết 5 năm thực hiện đề án, kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện đề án giai đoạn 2025-2030; khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến”, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên cho biết.

 L.V.CHÂU (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1901
Quay lên trên