Huyện Bàu Bàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2014 với 7 đơn vị hành chính xã: Long Nguyên, Lai Hưng, Lai Uyên, Tân Hưng, Hưng Hòa, Trừ Văn Thố và Cây Trường II. Nghị quyết thành lập thị trấn Lai Uyên được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp cuối năm 2017 và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phù hợp với định hướng phát triển
Thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Xã Lai Uyên, có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu văn hóa và các hoạt động kinh tế của huyện Bàu Bàng.
Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng, nơi có 80% diện tích
nằm trên địa bàn Lai Uyên. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Sau khi huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động, xã Lai Uyên đã chính thức đóng vai trò trung tâm hành chính, trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Xã Lai Uyên còn được quy hoạch 6 khu dân cư. Vừa qua, việc mở rộng Khu công nghiệp-đô thị Bàu Bàng thêm 1.000 ha, nâng tổng diện tích của khu này lên hơn 3.200 ha, trong đó gần 80% diện tích nằm ở xã Lai Uyên. Do đó, xã Lai Uyên hội đủ các yếu tố trở thành đô thị loại V, một trong những điều kiện để trở thành thị trấn.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, cho biết việc thành lập thị trấn Lai Uyên là hết sức cần thiết, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở. Theo kế hoạch, sau khi được công nhận thị trấn, đến năm 2020 xã Lai Uyên phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV, phù hợp với mục tiêu phấn đấu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng khóa XI (2015-2020) đã đề ra, phấn đấu sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị ở phía bắc của tỉnh Bình Dương.
Bước nhảy tạo đà phát triển
Theo lãnh đạo UBND xã Lai Uyên, thời gian qua, xã đã tập trung triển khai các chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn xã có 114 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thương mại - dịch vụ, sản xuất, chế biến gỗ… và 1.496 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ. Về xây dựng cơ bản, trong 6 tháng đầu năm 2018, xã đã triển khai đạt hơn 50% khối lượng các công trình với số tiền quyết toán hơn 1,6 tỷ đồng; cùng với đó phê duyệt nhà thầu triển khai các công trình xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện 9 tuyến đường trên địa bàn xã bằng nguồn vốn của huyện.
Bên cạnh đó, Lai Uyên được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điển hình như các công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước- Bàu Bàng, đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, các trường học… Ngoài ra, huyện cũng triển khai nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông nội bộ, đường giao thông liên xã, ấp, từ đường bê tông nhựa nóng đến đường bê tông xi măng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, sinh hoạt của người dân.
Ông Chí khẳng định, với những kết quả đã đạt được cùng những giải pháp đã đề ra, trong thời gian tới Lai Uyên sẽ phát huy được những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa nền kinh tế của địa phương phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Sự phát triển của Lai Uyên sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là công nghiệp, nông nghiệp kỹ thuật cao vào huyện Bàu Bàng.
Ngày 11-7, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng và thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tại phiên họp, các đại biểu UBTVQH đã thông qua Nghị quyết thành lập 3 thị trấn nói trên.
Thị trấn Lai Uyên được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng địa giới hành chính, diện tích (8.835,93 ha), dân số (32.028 người) của xã Lai Uyên. Thị trấn có 8 khu phố, gồm: Bàu Bàng, Xà Mách, Bàu Hốt, Bến Lớn, Cây Sắn, Đồng Chèo, Bàu Lòng và Đồng Sổ. Phía bắc giáp xã Trừ Văn Thố và xã Cây Trường II, phía nam giáp xã Long Nguyên và Lai Hưng, phía đông giáp xã Tân Hưng và xã Tân Long (huyện Phú Giáo), phía tây giáp xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng).
HOÀNG PHẠM