Thanh niên Bình Dương: Luôn xung kích bảo vệ môi trường
Đề án thành lập Đội hình thanh niên xung phong (TNXP) tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) là một trong những hoạt động được xem là mang tính “đột phá” của thanh niên (TN) triển khai trong thời gian tới đây. Theo đó, TN Bình Dương sẽ tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giám sát, hỗ trợ các cơ quan thẩm quyền trong việc BVMT sống của cộng đồng dân cư. Đội trưởng Đội TNXP Phạm Hồng Thắng đã cho biết:
TN tham gia các hoạt động tình nguyện vì môi trường
Cùng với quá trình phát triển nhanh về công nghiệp là những hệ quả nghiêm trọng về môi trường (MT) là ngập úng đô thị, ô nhiễm nguồn nước sông, rạch, mạch nước ngầm... Hệ quả đó xảy ra là do một số cá nhân, tổ chức thiếu ý thức trong việc xử lý chất thải công nghiệp. Đồng thời với đó, hệ thống thu gom và xử lý rác đô thị cũng là vấn đề nóng bỏng; trong khi đó, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực đã gây không ít khó khăn cho các ngành chức năng trong việc quản lý môi trường theo diện rộng. Vì thế, nếu có đội hình hỗ trợ đắc lực trong việc bám sát địa bàn cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin phát hiện những hành vi vi phạm MT để các ngành chức năng kịp thời xử lý, giải quyết thì chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể về các vụ việc vi phạm về MT như hiện nay. Chính vì lẽ đó, Đoàn TN được UBND tỉnh chấp thuận cho việc xây dựng đề án TNXP BVMT.
- Anh có thể cho biết việc xây dựng đội hình này?
- Đội TNXP BVMT với các đội kiểm soát viên MT, tuyên truyền viên chuyên trách, các đội xung kích BVMT ở cấp xã với lực lượng nòng cốt là đội viên thuộc Đội TNXP BVMT. Ngoài ra, đội còn xây dựng các loại hình cung cấp dịch vụ về MT phục vụ theo yêu cầu. Tùy theo từng chức năng, nhiệm vụ, các đội hình sẽ tập trung công tác tuyên truyền, giám sát, BVMT cho HSSV, TNCN và người dân địa phương về các quy định của pháp luật BVMT.
Đội xung kích BVMT cấp xã do Đoàn TN cấp xã quản lý sẽ có chức năng phối hợp, hỗ trợ công tác đối với cán bộ quản lý MT ở cấp xã và mô hình tổ tự quản BVMT ở địa bàn; triển khai các hoạt động tình nguyện cho TN và nhân dân tham gia BVMT tại địa phương; thay đổi những thói quen làm mất vệ sinh, có hại cho MT; giúp TN nông thôn, hộ sản xuất nông nghiệp... về công nghệ, kỹ thuật, vật tư về BVMT.
Đội TNXP BVMT còn có trách nhiệm thu thập thông tin về MT đô thị, MT công nghiệp từ cộng đồng, nắm tình hình về hoạt động của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gây ô nhiễm để sàng lọc, xác minh và báo cáo với các đơn vị có chức năng, thẩm quyền tiếp tục theo dõi, xử lý; hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát quá trình xử lý, khắc phục hậu quả để bảo đảm thực hiện đúng theo quy định.
- Nguồn lực TN tham gia đội hình BVMT sẽ được tổ chức ra sao, thưa anh?
- Hiện tại, chúng ta đã có đội hình TN tình nguyện BVMT ở các địa bàn huyện, thị. Trên cơ sở đó, đội ngũ bổ sung sẽ được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về MT, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, các quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong xã hội trong lĩnh vực MT... Tùy theo vai trò, vị trí được phân công, các thành viên sẽ được tham dự các khóa đào tạo phù hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tất cả đều hướng đến mục tiêu, phát huy vai trò của lực lượng TN tỉnh nhà trong việc xung kích tham gia BVMT, góp phần đưa ra và thực hiện các giải pháp có hiệu quả để góp phần BVMT.
- Khi nào đề án mới được triển khai?
Đề án sẽ được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 10-2011 đến tháng 12-2015 chia làm 2 giai đoạn. Đề án chính thức đi vào hoạt động với quy mô 50% số xã có Đội TNXP BVMT, tập trung ban đầu ở các địa phương ô nhiễm MT và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm MT.
- Xin cảm ơn anh!
NGỌC TRINH