Thanh niên công nhân và kế hoạch vui xuân, đón tết

Thứ bảy, ngày 18/01/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thời điểm này, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên công nhân đã nôn nao lập kế hoạch đón tết. Tuy nhiên, việc cân đối chi tiêu như thế nào để có một cái tết trọn vẹn cũng là một câu chuyện đáng quan tâm.

 Những ngày này, anh Lý Thanh Tài nôn nao với kế hoạch về quê đón tết đoàn viên

 Nôn nao kế hoạch đón tết

Những ngày này, Lý Thanh Tài, thanh niên công nhân (TNCN) phường Bình Hòa, TP.Thuận An lại nhớ quê khi nghe những ca khúc hát về mùa xuân. Tài bộc bạch: “Thế là 1 năm lại trôi qua, những ngày này biết bao nhiêu việc tất bật nhưng lòng tôi cứ cảm giác háo hức muốn về nhà ăn những bữa cơm mẹ nấu. Cuối năm là khoảng thời gian tuy cực mà vui vì sau một năm làm việc vất vả, những người con xa quê cũng sắp được ăn bữa cơm gia đình sum họp, được nhìn mặt từng thành viên trong gia đình, kể nhau nghe những câu chuyện buồn vui trong năm qua. Nghĩ tới đó thôi mà tôi muốn về quê ngay!”.

Chia sẻ về kế hoạch tết năm nay, đặc biệt là kế hoạch chi tiêu, anh Tài chia sẻ: “Mọi năm, tết tôi không đi chơi mà chỉ quây quần bên gia đình rồi lại chuẩn bị những ngày ra tết quay lại công ty làm việc. Năm nay, ngoài công việc làm chính thức ở công ty, tôi còn cố gắng làm thêm nhiều việc khác”. Tài cười tươi rói rồi kể ra danh sách việc anh dự định sẽ làm: “Đầu tiên tôi sẽ tự thưởng cho bản thân thêm vài bộ đồ mới, rồi ra chợ đêm lựa vài cái áo khoác cho má, vài bộ đồ cho ba, thêm giày dép cho hai ông bà. Về tới nhà, tôi sẽ dẫn ba má đi mua cái tủ thờ. Phần còn lại, tôi để mừng tuổi ba mẹ và lì xì các cháu. Rồi còn tiền thì tôi mong được cùng cả nhà đi một chuyến đến Nam Hải - Bạc Liêu du xuân”.

Đối với các bạn trẻ, việc chi tiêu đa phần khá thoải mái, tuy nhiên đối với các bạn TNCN có gia đình riêng thì vấn đề chi tiêu tết phải tính toán kỹ lưỡng hơn để không vượt chi. Khi hỏi về kế hoạch chi tiêu tết, anh AriFin, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên dân tộc phường Dĩ An, TP.Dĩ An, nói: “Thông thường mùa tết, 2 vợ chồng chi tiêu tất cả chi phí không vượt quá 30 triệu đồng cho các khoản chi phí, như: Tiền quần áo cho vợ chồng và các con; chuẩn bị quà cho gia đình nội ngoại 2 bên; tiền tiêu tết và sau tết. Năm nay, con tôi đã lớn hơn, chi phí cho con đi học cũng tốn khá nhiều nên khoản chi tiêu tết gia đình cũng tính toán kỹ lưỡng, chi tiêu gói ghém hơn mọi năm”.

Anh AriFin cho biết theo kế hoạch mọi năm, độ khoảng 27-28 tết là gia đình anh về quê, mùng 5 lên lại để mùng 6 đi làm. Gia đình anh ở Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang. Hàng năm, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ dịp tết cho gia đình. Có năm, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh còn đến tận nhà anh ở An Giang. Anh luôn trân quý những tình cảm ấy và mãi xem Bình Dương là quê hương thứ 2 của mình.

Lập kế hoạch chi tiêu tết

Tết đến cận kề, chi tiêu hợp lý để chi không vượt thu là kỹ năng mà mỗi TNCN cần trang bị để niềm vui ngày tết được trọn vẹn. Chính vì thế việc lập kế hoạch chi tiêu dịp tết là cần thiết. Việc lập kế hoạch giúp TNCN chủ động hơn trong việc quản lý tài chính, hạn chế tình trạng chi tiêu thiếu kiểm soát.

Trước tiên, TNCN cần tính toán rõ số tiền mình sẽ có trong tay vào dịp tết, bao gồm lương, thưởng tết và các nguồn thu nhập khác; đồng thời cũng cần liệt kê các khoản chi tiêu quan trọng như tiền về quê, quà tết cho gia đình, bạn bè và các khoản chi khác; xác định rõ số tiền cần chi cho từng khoản, tránh việc mua sắm vô tội vạ hay chi vào những thứ không cần thiết. Khi đã có kế hoạch rõ ràng, các bạn sẽ không phải lo lắng về việc thiếu tiền hoặc phải vay mượn vào những ngày đầu năm mới.

Bên cạnh việc lập kế hoạch chi tiêu, TNCN cũng có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để tiết kiệm trong dịp tết như mua sắm thông minh, tìm hiểu giá cả, so sánh các cửa hàng trước khi mua sắm; có thể tận dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại để tiết kiệm chi phí. Quan trọng nhất là việc cần hạn chế tiêu tiền vào các hoạt động không cần thiết như đi chơi, ăn uống ngoài quá nhiều, thay vào đó có thể tổ chức các hoạt động tại nhà, vừa vui vừa tiết kiệm.

Bên cạnh đó, thay vì mua những món quà đắt tiền, nếu khéo tay TNCN có thể tự tay làm những món quà nhỏ xinh, vừa ý nghĩa lại tiết kiệm để tặng cho người thân, bạn bè đơn giản như những hũ mứt hoa quả, những chiếc bánh, hay móc khóa... TNCN cần chia nhỏ ngân sách cho từng khoản chi, dự phòng một khoản chi phí phát sinh.

Ngoài ra, dịp tết cũng là khoảng thời gian để TNCN tìm kiếm nguồn thu nhập thêm như kinh doanh hoa tết, quần áo, bao lì xì, sản phẩm handmade, làm thêm… Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần tiết kiệm, TNCN có thể đón một cái tết ý nghĩa bên gia đình và người thân.

 Tết đến cận kề, chi tiêu hợp lý để chi không vượt thu là kỹ năng mà mỗi TNCN cần trang bị để niềm vui ngày tết được trọn vẹn. Chính vì thế việc lập kế hoạch chi tiêu dịp tết là việc làm cần thiết. Việc lập kế hoạch giúp TNCN chủ động hơn trong việc quản lý tài chính, hạn chế tình trạng chi tiêu thiếu kiểm soát…

 NGỌC NHƯ