Qua cuộc thi “Thanh niên nông thôn lập nghiệp, khởi nghiệp” năm 2024 vừa được Tỉnh đoàn tổ chức đã thể hiện tinh thần thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Cuộc thi dã quy tụ nhiều dự án sản xuất, kinh doanh của những thanh niên tiêu biểu, dám nghĩ và hành động, sáng tạo khởi nghiệp, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Tỉnh đoàn tổ chức trao giải cuộc thi “Thanh niên nông thôn lập nghiệp, khởi nghiệp” năm 2024
Liên kết hợp tác
Có hơn 7 năm kinh nghiệm từ mô hình trồng ổi của gia đình, anh Nguyễn Hoàng Trọng Hiếu ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo) hiện là giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ổi Thanh Kiên đã duy trì hiệu quả mô hình liên kết giữa HTX và nông dân. Nhận thấy sản xuất nông nghiệp truyền thống ở Việt Nam thường phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động thị trường, giá cả không ổn định cho đến rủi ro về thời tiết và sâu bệnh, anh Hiếu đã thực hiện mô hình liên kết giữa HTX và nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra sự bền vững trong chuỗi giá trị nông sản. Sự bảo đảm về đầu ra ổn định từ HTX giúp nông dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá” và tăng cường khả năng thương lượng giá bán. Mặt khác, việc thu mua sản phẩm theo hợp đồng với mức giá ổn định giúp nông dân có nguồn thu nhập và tạo nhiều cơ hội việc làm trong cộng đồng.
Anh Hiếu cho biết, mô hình này được thiết lập dựa trên hợp đồng rõ ràng và minh bạch, nông dân tham gia ký hợp đồng với HTX, cam kết sản xuất theo các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng đề ra. HTX bảo đảm cung cấp giống cây trồng chất lượng, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác. Việc cung cấp giống cây trồng chất lượng, vật tư nông nghiệp giá ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật đã tạo ra một chuỗi giá trị bền vững và ổn định.
Bản thân anh Hiếu luôn xác định rõ những thách thức và có giải pháp trong việc nhân rộng, phát huy mô hình. Hiện nay, HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để đa dạng hóa các sản phẩm ổi, giúp các thành viên có thêm thu nhập. Mô hình liên kết HTX với nông dân chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Vì môi trường sống xanh
Với những lợi ích của cây xanh và nghiên cứu nhu cầu thị trường, anh Lê Trọng Kỹ ở tổ 9, khu phố 8, phường Phú Hòa (TP. Thủ Dầu Một) đã mạnh dạng kinh doanh cửa hàng dịch vụ cây xanh và hướng tới xây dựng một hệ thống các cửa hàng bán lẻ cây cảnh, hoa, các sản phẩm liên quan đến cây xanh.
Dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về không gian xanh, cây cảnh và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Anh Kỹ chia sẻ, dự án hệ thống các cửa hàng dịch vụ cây xanh với mục tiêu xây dựng cơ sở sản xuất cây xanh tự chủ nguồn cây đầu vào, tập trung các loại cây trang trí, quà tặng, cây decor văn phòng, decor cửa hàng và hướng đến cơ sở chuyên thi công các công trình cây xanh.
Với hệ thống này, anh Kỹ sẽ thực hiện đa dạng hóa các loại cây cảnh, hoa; cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc cây xanh chuyên nghiệp; phân phối các sản phẩm liên quan như chậu cảnh, giá thể trồng cây, dụng cụ làm vườn. Bên cạnh đó, anh tập trung nâng cao các dịch vụ thiết kế cảnh quan, cung cấp dịch vụ thiết kế, thi công vườn, sân vườn; cho thuê cây xanh phục vụ các sự kiện, văn phòng và dịch vụ chăm sóc cây định kỳ… Có thể nói, dự án này của anh Kỹ đã thể hiện tinh thần khởi nghiệp, sự sáng tạo, nắm bắt cơ hội kinh doanh và góp phần mang lại không gian xanh cho môi trường sống.
Kiên trì và đam mê
Bắt nguồn từ đam mê trồng cây ăn trái nên anh Võ Thái Sơn ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng đã mạnh dạn thực hiện dự án trồng bưởi da xanh từ năm 2017. Để vườn bưởi phát triển xanh tốt, anh Sơn đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc ngay từ lúc trồng cho đến thời điểm thu hoạch trái.
Trong đó, anh thường xuyên tham khảo kỹ thuật về cây trồng có múi trên các phương tiện thông tin và tham gia học, tập huấn những kỹ năng về cách chăm sóc bưởi da xanh do địa phương tổ chức. Không những vậy, anh Sơn đã chủ động tìm đến các thương lái để giới thiệu sản phẩm; đồng thời quảng bá bưởi da xanh trên các trang mạng xã hội và không ngừng học hỏi, giao lưu chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng bưởi. Thương hiệu bưởi da xanh của gia đình anh luôn được các thương lái đặt hàng từ lúc mới ra hoa.
Mỗi năm, với 600 gốc bưởi da xanh, vườn của anh Sơn cho năng suất bình quân đạt hơn 50 tấn trái cung cấp cho thị trường trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Theo anh Sơn, bưởi da xanh là cây trồng khó tính, dễ bị nhiễm sâu bệnh, hàng tháng phải lên lịch kiểm tra giống, quả, tình hình sức khỏe của cây; thường xuyên chăm sóc, cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những chùm nhiều trái và chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh, méo thì trái bưởi lớn rất đều và tròn.
Nghiên cứu kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình canh tác, anh Sơn đã tạo ra những sản phẩm bưởi chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường về nông sản sạch và có giá trị dinh dưỡng. Nhờ sự kiên trì và đam mê, anh đã thực hiện thành công dự án sản phẩm nông nghiệp truyền thống, phát triển sản xuất bền vững và mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, địa phương.
Bên cạnh việc phát triển mô hình kinh tế, anh Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động công tác Đoàn do địa phương tổ chức; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất, kinh doanh với thanh niên và các hộ nông dân trên địa bàn xã để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế.
K.TUYẾN