Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh
LTS: Vừa qua, trong quá trình xác minh đơn của ông Huỳnh Văn Sáng khiếu nại về việc mồ mả của gia tộc ông tại ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, Tân Uyên bị san bằng nhằm phân lô bán nền, điều khiến mọi người vô cùng xúc động là trong hàng chục ngôi mộ bị san ủi này, vứt bừa bãi với một số hài cốt của liệt sĩ. Kỷ vật mà người lính mang theo lúc hy sinh là cuốn nhật ký và nhiều hình ảnh đã nhạt màu thời gian. Chúng tôi cảm động đón nhật kỷ vật nằm trong lòng đất từ tay ông Sáng trao với lời nhắn gửi thiêng liêng. Vì sao lại có chuyện mồ mả của một gia đình người anh hùng bị xúc phạm? Hành vi mất đạo lý này chúng tôi sẽ đề cập sau. Dưới đây là những bài viết về kỷ vật mà liệt sĩ để lại đã nằm sâu dưới lòng đất gần 50 năm.
“Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” là tiêu đề của cuốn nhật ký mà tác giả - người lính đã trân trọng ghi ở trang đầu. Nội dung những trang viết là tình yêu quê hương, đất nước, t ấm lòng son sắt hướng về Đảng, về Bác Hồ được tác giả nhắc lại nhiều lần trên đường hành quân... Tôi đã đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... và bây giờ là của một nữ chiến sĩ. Những dòng viết rất thật, như chắt lọc từ sâu thẳm tận đáy lòng..., như trải ra với những yêu thương, khát khao cống hiến đã vĩnh viễn là lý tưởng sống tuyệt đẹp cho thếhệ trẻ hôm nay và mai sau.
Những trang viết trong tập nhật ký
“Tuyên ngôn sống” của một thế hệ
Thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước là giai đoạn khốc liệt và hào hùng của đất nước ta. Hàng vạn người con mang tuổi thanh xuân vào chiến trường đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Họ ra đi từ nhiều miền quê, từ những đồng ruộng, nhà máy và giảng đường đại học. Trong muôn vàn gian khó hiểm nguy của chiến tranh, họ chẳng chút đắn đo gác lại ước mơ học tập còn dang dở để lên đường bảo vệ Tổ quốc là sứ mệnh cao quý, thiêng liêng. Đúng như vậy, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị đã ghi vào nhật ký những dòng suy nghĩ cao đẹp: “Vui sướng tự hào... Trên người ta là bộ quân phục xanh màu lá. Xe ơi... cho ta chóng tới gia đình lớn, nơi ta gửi gắm cả tuổi thanh xuân của mình. Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: kìa là sao Hôm yêu dấu. Bây giờ ta đọc trong ngôi sao ấy, ảnh lửa cầu vồng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu... Ta như thấy trong màu kỳ diệu ấy có ánh hồng cầu của trái tim ta...”. Những dòng viết của người sinh viên - người lính ra trận đã sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của tuổi hai mươi. Sau này có thêm nhật ký của anh hùng liệtsĩ Đặng Thùy Trâm cũng làm lay động bao trái tim tuổi trẻ. Những bài thơ, những dòng nhật ký của họ là tài sản tinh thần vô giá, là tiếng nói, là “tuyên ngôn sống”, lẽ sống của thế hệ thanh niên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chắc chắn hôm nay và mai sau, tiếng nói ấy, tuyên ngôn ấy vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim người Việt. Chị Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y dược Hà Nội năm 1966 và xung phong vào chiến trường B, phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ngày 22-6-1970, trên đường di chuyển bệnh viện khỏi vòng vây địch, chị chạm trán với lính Mỹ phục kích và đã hy sinh anh dũng. Cuốn nhật ký của chị đã lưu lạc hơn 40 năm mới trở về Tổ quốc, gia đình.
Kỷ vật thời chiến, đặc biệt là nhật ký của liệt sĩ luôn có số phận thiêng liêng kỳ lạ. Tập nhật ký mà chúng tôi đề cập trong loạt bài này cũng vậy. Những dòng chữ được viết đầu tiên vào tháng 12-1962 và trang cuối là ngày 20-10-1966. Nhiều trang giấy phía sau vẫn còn để trống, có lẽ lúc này người lính ấy đã hy sinh. Tính từ năm1966 đến nay, nhật ký nằm dưới lòng đất cùng tác giả đã 46 năm nhưng lạ kỳ nét chữ, hình ảnh còn rõ ràng. Tác giả cuốn nhật ký là nữ chiến sĩ, cũng là sinh viên vừa rời mái trường xung phong vào mặt trận chiến đấu như anh Thạc, chị Trâm. Đọc những trang viết này cho thấy, lúc chị hy sinh khoảng 26, 27 tuổi, vào khoảng tuổi chị Trâm hy sinh (27 tuổi). Dù tuổi đời còn trẻ nhưng chị đã để lại những trang viết đẹp, một lòng hướng về Tổ quốc, chị viết: “Ta hằng nghĩ vềTổ quốc nhiều hơn, vì Tổ quốc. Tuổi còn trẻ, đời còn dài, vì Tổ quốc hãy nghĩ đến Tổ quốc hơn...”. Ai đó đã nói, cuộc đời đẹp nhất là sống trong chiến trận; cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được trui rèn... Đọc nhật ký của chị, của Thùy Trâm, anh Thạc và của nhiều người lính khác nữa mới thấy hết giá trị cao đẹp của một thời đại mà lý tưởng sống của thanh niên là khát khao được cống hiến cho Tổ quốc, nghĩ về Tổ quốc.
Nhật ký chưa biết tên
Điều làm chúng tôi băn khoăn là trong tập nhật ký chị không ghi tên của mình, có lẽ vì do quy định bí mật của thời chiến. Nhưng dưới những trang viết chị đều ký tên trông giống như tên “Thu hoặc Thủy”. Chúng tôi xác định chị là sinh viên, đảng viên là căn cứ vào những trang viết sau: “Tháng 12-1962, rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng, vừa dạy học, vừa tham gia các mặt trận khác. Sau đó lên đường vào chiến trường. Ngày đi, ngoại nhắn lời nhắn nhủ hữu ích của cậu, mình cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con gái ngoan của ba má, người con ưu tú của Đảng...”. Hay chị viết: “Ngày 13-9-1966, được thư của anh Quang ruột thịt, mình mừng biết bao. Qua lời khuyên bảo, dặn dò của anh, mình khắc ghi mãi trong lòng: phải đặt tập thể trước cá nhân sau... Anh ơi! Em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú...”. Từ “ba má” chị viết trong nhật ký có thể nhận định chị quê Nam bộ, hình như là Cần Thơ vì có đoạn viết: “Ngày 20-11-1965 biên thư cho người thân ở Cần Thơ, mong hồi thư lắm...”.Những nét chữ tròn trịa, ý tứ sâu sắc cho thấy chị là người có học thức và suy nghĩ chính chắn. Chị còn làm thơ hay. Những bài thơ tình cảm nhưng đượm chất anh hùng cách mạng như bài thơ chị viết vào ngày 17-10-1966 tặng H, người em cùng quê: “Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì/ Rộn ràng phấn khởi hay sầu bi/ Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng/ Miền Nam ta giải phóng tự do/ Cùng nhau vui hát bài ca thanh bình/ Em hỡi sao em không nói/ Nói đi em chị lắng nghe đây/ Nghe em kể lại những ngày...
Theo lời ông Sáng và người dân ấp Xóm Đèn kể lại: Năm 1966, Mỹ - ngụy mở trận càn lớn vào Chiến khu Đ hòng tiêu diệt căn cứ của ta. Giữa ta và địch giáp trận ác liệt. Địch bị tiêu diệt nặng nề phải bỏ chạy, ta thắng lớn nhưng cũng có nhiều chiến sĩ ngã xuống hy sinh. Ông Sáng lúc bấy giờ cũng là bộ đội tham gia chiến dịch. Ấp Xóm Đèn là quê nhà của ông; vì vậy sau trận đánh, ông cùng với người dân tiến hành chôn cất 6 liệt sĩ vào nghĩa trang gia tộc của mình. Trong đó, bản thân ông tự tay chôn cất hai đồng chí tên Anh và Cần, rồi cũng vội vã hành quân theo đơn vị tiếp tục chiến đấu. Bốn liệt sĩ còn lại do bà con ở Xóm Đèn chôn cất. Do đó rất có thể chị, tác giả cuốn nhật ký là một trong bốn chiến sĩ hy sinh được người dân chôn cất trong nghĩa trang gia tộc của ông Sáng. Cầm trên tay kỷ vật của chị, chúng tôi rất xúc động. Đất nước đã hòa bình nhưng các anh, các chị vẫn còn nằm dưới lòng đất lạnh gần 50 năm, không ai biết tên, không người thân thăm viếng, cũng may còn có ông Sáng trông nom phần mộ. Ở đâu đó trên các làng quê Việt Nam, chắc ba má, người thân của các anh, chị cũng đang trông ngóng từng ngày.
Thế hệ Hồ Chí Minh
Để quý bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin trích đăng toàn bộ quyển nhật ký trong 7 kỳ phóng sự “Kỷ vật từ lòng đất”. Qua nhật ký, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tấm lòng và nhân cách của một “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”. Sống, học tập, công tác luôn xứng đáng với Đảng, Bác Hồ, với đồng đội và gia đình...
- Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương.
- Tháng 2-1963: Dự lớp chuyên môn, sau một tuần học tập, trở về hướng dẫn lớp PT, một trường ở ấp nhà.
- Tháng 10-1963: Vì yêu cầu công tác, M. được chuyển đến dạy ở một trường khác của xã (ấp B.T).
- Tháng 2-1964: Trường xã không có người, M. được bố trí về đây.
- Tháng 5-1964: Được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn.
- Ngày 4-6-1964: Ngày giỗ ngoại. Qua lời khuyên của cậu, M. cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má, đứa con ưu tú của Đảng.
- Ngày 22-6-1964: Rời gia đình lên đường học tập, M. có cảm nghĩ mới lạ. Khi học tập phải cố gắng với bổn phận của mình để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng.
- Ngày 4-7-1964: M. đến điểm học tập. Trong sinh hoạt ở đây có nhiều mới lạ, vui tươi. M. thích quá - Tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây.
- Ngày 26-7-1964: Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin.
Trang đầu tiên của nhật ký
- Ngày 5-8-1964: M. có 2 niềm vui. Một là được thư gia đình và các anh bộ đội. M. mừng quá, cứ muốn đọc mãi thôi. Hai là ngày hôm nay được tin lần đầu tiên quân dân miền Bắc hạ nhiều máy bay kẻ cướp Mỹ.
- Ngày 10-8-1964: M. cùng đồng đội dời vào địa điểm mới.
- Ngày 13-9-1964: M. đã đỡ bệnh nhưng chưa được khỏe lắm, cần đấu tranh với bệnh hoạn để vươn lên. Học tập đem lại những kết quả, đó là điều không thể thiếu được ở bản thân. Cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa.
- Ngày 17-10-1964: M. được thư gia đình. Ba má, anh chị lo cho M. quá. Cố làm thế nào để xứng đáng với niềm thương nhớ và lo lắng ấy.
- Ngày 20-11-1964: Hôm nay là ngày lễ Nhà giáo yêu nước. M. được nghe kể lại nghề giáo. M. cần học tập nhiều hơn nữa. Trau dồi bản thân để trở thành một người giáo viên toàn diện, yêu nghề, yêu trẻ đúng mức.
Soi rọi lại thời gian công tác đã qua, M. phải cố gắng nhiềuhơn nữa. Vì đây là nơi rèn luyện mình trở thành người cách mạng, người kỹ sư tâm hồn.
Lời nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi”, cuộc đời là pho sách không có trang cuối, phải thực hiện cho được. Học để hiểu tri thức khoa học, có văn hóa làm cơ sở, để nâng cao khả năng chất lượng công tác, học để xứng đáng là con người mới.
Muốn đạt được kết quả tốt trong học tập, M. cần tập trung tư tưởng cao độ, đào sâu suy nghĩ, lật ngược, lật xuôi vấn đề.
Trong thời gian qua, M. ân hận nhiều vì đôi khi tư tưởng thiếutập trung. Do đó, trong học tập chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.
Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng xã hội mai sau. M. phải suy nghĩ và thực hiện cho được như vậy. Mọi ý nghĩ riêng tư, vì cá nhân phải gạt bỏ, để xứng đáng là người cộng sản. (Còn tiếp)
Q.H (ghi)
Bài 2: Sống như anh
KIẾN GIANG