Kỳ 1: Xứng tầm vị thế động lực
Sau 12 năm xây dựng, thành phố mới Bình Dương (TPM) mang dáng dấp của một đại đô thị, là thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến của các hoạt động giao thương quốc tế. Hơn hết, nơi đây đã trở thành động lực thu hút và phát triển các khu công nghiệp xung quanh, điểm nhấn lan tỏa, thúc đẩy các đô thị vệ tinh.
Biểu tượng của tư duy, tầm nhìn
Phải khẳng định rằng sau 12 năm xây dựng, khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ (TPM) đã trở thành biểu tượng của tư duy và tầm nhìn về phát triển theo hướng xanh, hiện đại của Bình Dương. TPM mang trên mình nhiệm vụ kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các địa phương. Sau 12 năm xây dựng, lối dẫn vào TPM là những con đường thênh thang, hiện đại, nhà cửa được quy hoạch quy củ, không gian xanh phủ kín. Những công trình, tiện ích thông minh, hiện đại được ứng dụng để phát triển cộng đồng. Hình ảnh ở TPM gợi nhớ những thành phố, khu đô thị nổi tiếng trên thế giới về quy hoạch “đi trước thời đại” dựa trên nghiên cứu khoa học và hợp tác để phát triển.
Thành phố mới Bình Dương, nơi có hạ tầng công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu kết nối cao. Trong ảnh: Hội thảo trực tuyến hợp tác với châu Âu về công nghệ sản xuất xanh được tổ chức tại thành phố mới
Nhận xét về sự phát triển của đô thị thông minh này sau 12 năm hình thành và phát triển, KTS-TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Bình Dương đã đi trước đón đầu trong tầm nhìn quy hoạch đô thị. Bên cạnh việc quy hoạch theo mô hình hiện đại, văn minh, trở thành trung tâm mới của Bình Dương, khu liên hợp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. “Bình Dương đã thành công khi quy hoạch các phân khu chức năng, bao gồm khu nhà ở cho chuyên gia, nhà đầu tư, khu nhà ở cho công chức viên chức, người có thu nhập khá và cả khu nhà ở cho người lao động. Đây là kiểu quy hoạch mà các nước tiên tiến đã làm với từng tiện ích các đối tượng cần. Đến nay, Bình Dương đã thành công trong việc quy hoạch phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại. Tất nhiên, mọi sự phát triển cần có độ lùi của thời gian để nhìn nhận”, KTS Ngô Viết Sơn Nam nhận định.
Đến nay, TPM dần thực hiện được “sứ mệnh” mà tỉnh đã đặt ra. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ TPM Bình Dương là công trình nhằm mục tiêu phục vụ tiến trình phát triển công nghiệp bền vững của Bình Dương, là nơi có hạ tầng đô thị hiện đại, tạo nền tảng để xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo tiềm lực để đón những xu thế mới của thế giới, yêu cầu mới của thời đại. Đây là cơ sở để Bình Dương lại tiếp tục bứt phá, bước sang thời kỳ phát triển thành phố thông minh, nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế, dịch chuyển sang sản xuất công nghệ, dịch vụ chất lượng, hướng đến kinh tế tri thức - kinh tế số.
Tòa nhà trung tâm hành chính tập trung đã trở thành “trái tim” của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân và nhà đầu tư. Việc chú trọng xây dựng dịch vụ như trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm quốc tế, khu vui chơi giải trí, trường học quốc tế tại TPM đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Đặc biệt, xung quanh khu vực hiện nay đã hình thành đầy đủ dịch vụ từ giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại cho đến vui chơi giải trí, từ nhà ở xã hội cho đến căn hộ cao cấp đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và cả lực lượng chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống. Đáng nói, sự phát triển của TPM Bình Dương đã lan tỏa, kết nối sang các địa phương khác với vai trò “lõi” phát triển tạo nên các đô thị vệ tinh.
Thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp
Tòa nhà Trung tâm Hành chính tập trung đặt tại TPM Bình Dương cùng nhiều công trình bổ trợ là điều kiện để tỉnh nhà thực hiện hiệu quả nền hành chính công thân thiện, tận tụy phục vụ nhân dân, đủ năng lực để đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn, thỏa mãn các yêu cầu hành chính của nhân dân. Đồng thời, TPM tạo điều kiện cho tỉnh dễ dàng mời gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị của tỉnh nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thành công ấy thểhiện rõ nét qua chỉ số PCI 2021 khi Bình Dương đạt vị trí thứ 4 trong cả nước với 70,16/100 điểm, thuộc nhóm “Rất tốt”, tăng 9 bậc so với năm 2019. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đã thu hút trên 2,4 tỷ USD vốn FDI, duy trì vị thế top đầu các địa phương thu hút vốn nước ngoài mạnh nhất cả nước. Nhà đầu tư hài lòng về tính quy tụ, kết nối của đô thị này.
Ông Yeh Ming Yuh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), đánh giá cao những tiện ích và sự kết nối của TPM. “Các nhà đầu tư đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, rộng khắp. Định hướng phát triển phù hợp của Bình Dương chính là lý do chúng tôi đã quyết định mở rộng quy mô sản xuất tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Đặc biệt các tuyến đường kết nối đã rút ngắn được khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia đi về nơi ở cũng như liên hệ công việc. Điều đó tạo ra động lực để doanh nghiệp gắn bó lâu dài”, ông Yeh Ming Yuh khẳng định. (còn tiếp)
TIỂU MY