Bài 3: Tạo kết nối liên thông
Từ chủ trương của Đảng bộ tỉnh phát huy mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tạo lực thu hút đầu tư, làm đòn bẩy phát triển công nghiệp, đến nay có thể khẳng định, sự phát triển các khu công nghiệp (KCN) trong thành phố mới Bình Dương có sự đóng góp quan trọng của hệ thống hạ tầng giao thông.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại tạo sức bật cho thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Hệ thống giao thông đồng bộ
Hạ tầng giao thông hoàn thiện đã tạo thuận lợi để hạ tầng KCN tập trung làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trong thành phố mới Bình Dương được đầu tư đồng bộ, bảo đảm kết nối giao thông các khu chức năng trong thành phố mới với nhau và kết nối với các khu vực lân cận như TP.Thủ Dầu Một hiện hữu, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên... Các tuyến giao thông huyết mạch của thành phố mới Bình Dương có thể kể đến như đường Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, Lê Lợi, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh…
Đường Lê Lợi và đường Nguyễn Văn Linh là trục chính kết nối thành phố mới Bình Dương theo phương Bắc - Nam; kết nối thành phố mới với các KCN như VISIP II, Đồng An II, Sóng Thần III, Đại Đăng và các KCN lân cận như Mỹ Phước III (TX.Bến Cát), Nam Tân Uyên (TX.Tân Uyên). Bên cạnh đó, tuyến đường Võ Văn Kiệt - Huỳnh Văn Lũy là trục chính kết nối thành phố mới Bình Dương theo hướng Đông - Tây nhằm kết nối thành phố mới với các KCN như Kim Huy, Sóng Thần III và các KCN lân cận như Nam Tân Uyên; kết nối thành phố mới Bình Dương với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13. Chính sự kết nối của những tuyến đường giao thông trong thành phố mới Bình Dương không chỉ tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông qua địa bàn, làm đòn bẩy để phát triển hạ tầng các KCN trong thành phố mới mà còn là động lực để thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế cho thành phố mới Bình Dương.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH giấy Kraft Vina (KCN Mỹ Phước III, TX.Bến Cát), nhờ vào hạ tầng giao thông đường bộ trong thành phố mới Bình Dương được đầu tư hiện đại, tạo tính kết nối nên việc vận chuyển hàng hóa của công ty gặp rất nhiều thuận lợi, góp phần quan trọng cho sự phát triển của công ty.
Thúc đẩy công nghiệp phát triển
Từ chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp phát triển, Bình Dương đã kiến tạo những con đường mang tính đột phá, làm đòn bẩy. Nổi bật là các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Phạm Ngọc Thạch. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ huyện Bàu Bàng đến quốc lộ 1A đi qua các KCN lớn ở các địa phương Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An của tỉnh, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa thành phố mới và TP.Thủ Dầu Một hiện hữu, kết nối với TX.Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Tuyến đường này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở các trục đường lân cận, giảm chi phí và thời gian vận chuyển đáng kể cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng Đông Nam bộ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, hệ thống giao thông trong thành phố mới Bình Dương được đầu tư đồng bộ, liên hoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tại đây phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH New Choice Foods (KCN VSIP II, thành phố mới Bình Dương). Ảnh: H.A
Bên cạnh đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối hệ thống giao thông với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn của các doanh nghiệp, địa phương trong tương lai, đặc biệt hướng đến sân bay quốc tế Long Thành, cụm cảng biển nước sâu Thị Vải; đồng thời nhằm giảm sự quá tải của cửa ngõ chính từ Bình Dương vào TP.Hồ Chí Minh thông qua tuyến quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương) và các tuyến đường hiện hữu khác... Tuyến đường này có chiều dài 62 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mặt cắt 32m, 6 làn xe (riêng đoạn từ đường ĐT 741 đến KCN Bàu Bàng mặt cắt 62m, 10 làn xe). Công trình có tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) thi công.
Là dự án hạ tầng giao thông lớn thứ 2 trong thành phố mới Bình Dương, tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (công trình đường vào Trung tâm Hành chính của tỉnh) đi qua các phường Hiệp Thành, Phú Mỹ của TP.Thủ Dầu Một, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị loại III. Bề rộng mặt đường là 33,5m, vận tốc tối đa 80km/giờ, với 8 làn xe được thảm bê tông nhựa nóng; nền đường rộng 51,5m, có dải phân cách, cây xanh, đèn chiếu sáng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ven hai bên tuyến đường này như cáp viễn thông, điện lực, cấp thoát nước đều được thiết kế ngầm hóa. Trên tuyến đường còn có hệ thống trạm xe buýt, trong đó có bảng chỉ dẫn, nhà chờ dành cho người mù, người khuyết tật đúng tiêu chuẩn của một đô thị văn minh, hiện đại. Đường Phạm Ngọc Thạch là một công trình quan trọng, vừa mang tính huyết mạch trong hệ thống giao thông nội tỉnh vừa tạo sức bật kết nối với hệ thống giao thông của vùng, hòa vào hệ thống giao thông quốc gia. Từ tuyến này sẽ tạo sự kết nối TP.Hồ Chí Minh - TP.Thủ Dầu Một - Thành phố mới Bình Dương -TX.Tân Uyên; tỉnh Bình Phước - Bàu Bàng - TX.Bến Cát - TP.Thủ Dầu Một- Thành phố mới Bình Dương.
Ông Sanjiv Sarin, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Tata Coffee Limited (Ấn Độ), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tata coffee Việt Nam nói, thành phố mới Bình Dương được đầu tư hạ tầng tốt, hiện đại. Các tuyến đường có tính kết nối giữa các KCN với nhau như KCN VSIP II - Đại Đăng - Sóng Thần III - Nam Tân Uyên, KCN VSIP II - Mỹ Phước- Bàu Bàng; kết nối liên tỉnh, liên vùng, lại có cây xanh, môi trường sạch đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi để những công ty đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất tại đây. Bên cạnh đó, các tuyến đường tạo lực này sẽ làm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế chi phí cho doanh nghiệp. Bởi khi hạ tầng tốt, tính kết nối của hạ tầng cao sẽ tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Các tuyến đường tạo lực nói trên đã tạo thêm sức bật công nghiệp cho các địa phương trong tỉnh mà các tuyến đường đi qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ