Thành phố thông minh Bình Dương với mô hình “ba nhà”
Dựa trên những điểm tương đồng giữa Tổng Công ty Becamex IDC (Bình Dương) và Tập đoàn Brainport (Hà Lan), việc ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) trong xây dựng thành phố thông minh (TPTM) nhằm mục đích để Bình Dương chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật cao, tiên tiến.
Mô hình hợp tác“ba nhà” tại Bình Dương
Học tập từ thành phố Eindhoven, mô hình “ba nhà” áp dụng tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các viện, trường học trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, doanh nghiệp và các viện, trường học nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực. Mô hình này tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy Bình Dương phát triển năng động, sáng tạo.
Ghi nhận cho thấy, hiện nay sự cộng tác trong mô hình “ba nhà”, mặc dù đã được chính thức hóa, vẫn mang tính động và tự nguyện, vì trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay các mô hình tổ chức cứng nhắc theo cấp bậc sẽ không còn quan trọng như trước đây ; các bên liên quan trong hợp tác “ba nhà” sẽ đóng góp vào tiến trình chung thông qua việc cùng chia sẻ những mối quan tâm, kiến thức, tư tưởng và tầm nhìn cụ thể cho sự phát triển trong tương lai. Đổi lại, họ có thể cùng tham gia vào những dự án cụ thể giúp cho tổ chức của mình đạt được vị thế cạnh tranh cao hơn ở cả trong lẫn ngoài vùng. Điều này cũng có nghĩa là tất cả đối tác vẫn sẽ giữ sự độc lập và trách nhiệm của riêng mình. Hợp tác “ba nhà” sẽ đóng vai trò hỗ trợ mỗi đối tác tham gia có được những quyết định tốt hơn, phù hợp hơn với môi trường, đồng thời liên kết với mục tiêu chung của các bên.
Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một trưng bày
sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ảnh: P.LÊ
Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Hội đồng cố vấn “ba nhà”, Văn phòng TPTM Bình Dương để cùng định hướng và vận hành cho toàn đề án xây dựng TPTM, với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo tỉnh. Các ban, hội đồng này và các dự án đều hoạt động trên nguyên tắc phối hợp “ba nhà” và luôn kết hợp chặt chẽ với quốc tế, đặc biệt là với thành phố kết nghĩa Eindhoven. Bên cạnh đó, công tác quản trị, tính minh bạch và hoạt động chia sẻ thông tin, dữ liệu luôn được tỉnh chú ý đặc biệt. Thành phần các bên tham gia có thể thay đổi theo thời gian, thậm chí theo từng dự án.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết cơ cấu tổ chức Dự án TPTM bao gồm ban chỉ đạo, hội đồng cố vấn “ba nhà”, ban điều hành và Văn phòng TPTM Bình Dương, được phê duyệt và đi vào hoạt động là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án TPTM Bình Dương. Từ đó mang lại cuộc sống chất lượng và công việc tốt hơn cho người dân Bình Dương; đưa tỉnh Bình Dương sớm gia nhập Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF).
Thực hiện Chương trình chiến lược đột phá
Các mục tiêu và hướng dẫn cụ thể cho Đề án TPTM Bình Dương được trình bày trong bộ tài liệu Bình Dương Navigator 2021 - Chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội Bình Dương 2021, tầm nhìn 2030 (Quyết định số 3206/QĐ- UBND của UBND tỉnh ngày 21-11-2016). Chương trình này là tổng hòa của nhiều nỗ lực, có sự tham gia đóng góp của nhiều bên liên quan thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, vận động theo phương thức “ba nhà”. Bình Dương Navigator 2021 gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia ra 4 lĩnh vực: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng.
Theo đó, đối với lĩnh vực “con người”, chương trình đặt con người là trọng tâm của đề án, nội dung chính của phần này là lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc - con người. Đối với lĩnh vực công nghệ, những dự án trong lĩnh vực công nghệ đều hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển và khuyến khích sự đổi mới hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội và tạo điều kiện để công nghệ mới được thí điểm ở các môi trường thực tế, vừa hỗ trợ cho nghiên cứu đồng thời cải thiện cuộc sống người dân.
Về lĩnh vực doanh nghiệp, thực hiện củng cố các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng doanh nghiệp mới là mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực này. Bình Dương hiện nay đang có lợi thế lớn với chất lượng và số lượng công ty sản xuất nhiều, đa số hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và cổng thông tin về chuỗi cung ứng trong khu vực; xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp khoa học - công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp với mô hình quốc tế. Bình Dương cũng xác định sẽ hướng tới một hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài công nghệ cao.
Riêng về các yếu tố nền tảng, tỉnh sẽ tập trung vào những điều kiện tiên quyết cho việc phát triển một khu vực vững mạnh, ví dụ như cơ sở hạ tầng tốt, xây dựng một thương hiệu danh tiếng, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống thoải mái và cuốn hút, các trung tâm văn hóa vui chơi giải trí - thể thao năng động, công nghệ thông tin băng thông rộng. Bình Dương đã và đang rất chú trọng các vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược trong và liên tỉnh, các trung tâm đầu mối cảng khô cũng như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông băng thông rộng, năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến. Cùng với đó, Bình Dương đang hướng đến một hình ảnh tầm quốc tế, không chỉ với danh tiếng là một khu vực tốt để làm việc, sản xuất công nghiệp mà còn là một TPTM với môi trường sống năng động, sáng tạo; phấn đấu trước năm 2021 gia nhập ICF - hiện có hơn 160 thành viên TPTM trên toàn thế giới.
Trong khi đó, về vấn đề nguồn lực, việc chuẩn bị một lộ trình chặt chẽ hướng đến TPTM sẽ tạo ra một sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư công nghệ, các bạn trẻ năng động và lao động trí thức cả trong và ngoài nước vào Bình Dương làm việc, sinh sống. Mô hình hợp tác “ba nhà”, cũng giống như thành phố Eindhoven - lấy con người làm trọng tâm chứ không phải là công nghệ, sẽ giúp Bình Dương tạo ra môi trường năng động, thúc đẩy các trường đại học, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cùng chung tay xây dựng, đem đến những ý tưởng, giải pháp, mô hình kinh doanh thông minh, mang lại lợi ích cho các bên.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương Navigator 2021 là một nội dung quan trọng xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết theo từng chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng Bình Dương hướng đến thành phố thông minh, mang tầm vóc quốc tế về khoa học - công nghệ và kinh tế trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Đề án TPTM Bình Dương sẽ kế thừa những định hướng phát triển đã được tỉnh chọn lựa, tạo ra những điều kiện mới, thuận lợi để nâng tầm các chương trình đột phá của tỉnh; đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước qua việc áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất từ các nước tiên tiến trên thế giới...
Ngày 16-12-2016, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự Hà Lan tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”. Hội thảo là sự kiện công bố cơ cấu tổ chức cho dự án TPTM Bình Dương, các chương trình hành động cho năm 2017, cũng như đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa Bình Dương với ICF.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh hội thảo góp phần xác định vai trò then chốt của mô hình “ba nhà” xét trong mối quan hệ tổng thể đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng đô thị thông minh. Qua đó góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định một chính sách phát triển thành công cho tỉnh Bình Dương trong tương lai.
PHƯƠNG LÊ