Thành phố thông minh, mục tiêu và hành động - Kỳ 1

Cập nhật: 27-01-2021 | 08:08:38

Kỳ 1: Những bước đi căn bản

 Từ năm 2016, Bình Dương hình thành Đề án Thành phố thông minh (TPTM) nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đón làn sóng công nghiệp 4.0. Không chỉ quan tâm đến ứng dụng công nghệ, đề án là chương trình toàn diện nhằm tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, tạo những bước đột phá, động lực mới trong thu hút đầu tư, khẳng định thương hiệu, uy tín, vươn tầm quốc tế.

 Thành phố mới Bình Dương đóng vai trò hạt nhân trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh

Vươn tầm quốc tế

Để làm tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch, phát triển tỉnh Bình Dương trong tình hình mới, phù hợp với giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2016 tỉnh đã triển khai xây dựng “Đề án TPTM Bình Dương” với “Mô hình ba nhà”, bước đầu đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền TP.Eindhoven, Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Brainport và Tổng Công ty Becamex IDC, Bình Dương đã liên tục tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn về TPTM vào các năm 2016, 2017; áp dụng thành công mô hình hợp tác ba nhà phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; từng bước triển khai có hiệu quả chương trình hành động Bình Dương Navigator với các phần chính là Con người, Công nghệ, Kinh doanh, và các yếu tố nền tảng. Các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục hiện đại như STEM/STEAM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, các vườn ươm doanh nghiệp… đã và đang được triển khai rất chủ động, mạnh mẽ từ chính quyền cũng như các viện, trường và doanh nghiệp.

Thời gian qua, Bình Dương với những chương trình đổi mới, phát huy Đề án TPTM, đã tạo được những bứt phá mạnh mẽ, mở rộng quan hệ quốc tế, tạo một vị thế mới, mở ra rất nhiều cơ hội lớn. Bình Dương đã tích cực đẩy mạnh hợp tác song phương và chủ động mở rộng mối quan hệ hợp tác đa phương. Tính đến nay, tỉnh đã thiết lập mối quan hệhợp tác song phương với 10 tỉnh, thành nước ngoài, trở thành thành viên chính thức, đối tác tin cậy của 4 tổ chức hợp tác quốc tế đa phương, bao gồm Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) và Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA).

Với định hướng phát triển phù hợp và bằng những nỗ lực của chính mình, Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ và là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ICF. Liên tục trong 2 năm 2018 và 2019, Bình Dương đã được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Điều này đã minh chứng cho những bước đi trên con đường hướng đến mục tiêu xây dựng TPTM của tỉnh rất hiệu quả, nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế.

Tạo động lực mới

Tiếp nối những thành tựu trong thời gian vừa qua, hướng đến mục tiêu tạo động lực mới trên bước đường phát triển đô thị thông minh, bền vững và hội nhập nhanh chóng hơn trong quá trình toàn cầu hóa, Bình Dương đã triển khai xây dựng Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTCA BDNC). Dự án sẽ tạo thêm động lực cho tỉnh nhà phát triển, tăng cường kết nối vùng.

TS.Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Đề án TPTM Bình Dương vẫn sẽ đặc biệt được đầu tư phát triển, giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, chiều sâu hơn, sẽ chú trọng hơn nữa kinh tế - xã hội số. Bình Dương với tiềm lực và vị thế mới trên trường quốc tế, đã đến lúc có thể đưa ra những dự án táo bạo hơn, mạnh mẽ và cụ thể hơn, tạo động lực, sự lan tỏa cho toàn vùng và Việt Nam. Trong khuôn khổ TPTM, Bình Dương xác định tập trung nguồn lực để thực hiện một số chương trình hành động cụ thể, hiệu quả nhanh chóng, nhằm phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Quyết tâm xây dựng thành công TPTM Bình Dương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình ba nhà, gắn kết các bên, huy động nguồn lực toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ tạo bước đột phá về dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và đầu tư tài chính vào công nghệ. 3 thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An là cơ sở với quy hoạch theo hướng đô thị thông minh. Trong đó thành phố mới sẽ tiếp tục vai trò hạt nhân, Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương đang được hình thành sẽ là điểm sáng.

Trên thực tế, để triển khai hiệu quả các dự án quy mô trên, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhanh chóng mạng lưới giao thông vận tải, chống ùn tắc, xây dựng logistics thông minh với hệ thống cảng, đường sông, đường sắt; hình thành hệ sinh thái chuỗi cung ứng, cũng như chú trọng cơ sở hạ tầng băng thông rộng, cơ sở dữ liệu lớn dùng chung, ứng dụng công nghệ, cải cách hành chính. Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0, nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để đột phá kinh tế - xã hội, luôn là trọng điểm quan trọng nhất của Đề án TPTM. Cùng với lộ trình định vị lại thương hiệu tỉnh trên trường quốc tế, việc Bình Dương đồng bộ tiến hành các dự án đột phá trên sẽ tạo một động lực mới, thu hút mạnh mẽ nguồn lực để đóng góp vào sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ mới. (Còn tiếp)

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

“Tôi thật sự rất vui mừng và tự hào khi nhìn thấy Bình Dương có những bước chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ và dần khẳng định vị thế trong nước và quốc tế. Sự phát triển năng động của Bình Dương không chỉ mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện Đề án TPTM bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Bình Dương một lần nữa tạo cơ sở vững chắc để chúng ta có thể tin tưởng, kỳ vọng vào một thành phố Bình Dương đáng sống trong tương lai”.

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

“Trong thời gian qua, Bình Dương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế. Đồng hành cùng với những bước chuyển mình của châu Á và thế giới, Bình Dương đã và đang triển khai Đề án xây dựng “TPTM Bình Dương 2021, tầm nhìn đến 2030”, một chương trình đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm từng bước nâng tầm của tỉnh trong khu vực và thế giới”.

Ông Stijn Steenbakkers, Phó Thị trưởng TP.Eindhoven, Hà Lan:

“Tôi đánh giá cao về sự phát triển vượt bậc của Bình Dương thời gian qua. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, cũng như kết quả trong xây dựng TPTM. Tôi tin tưởng, trong thời gian tới cùng với sự hợp tác giữa Bình Dương và TP.Eindhoven, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng thành công TPTM”.

Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Unesco tại Hà Nội:

“Bình Dương có thể được xem là kiểu mẫu phát triển TPTM. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bình Dương trong quá trình phát triển và xây dựng TPTM. Sự khác biệt tiêu biểu mà ít thành phố khác đạt được như Bình Dương đó là việc kết hợp hài hòa các yếu tố về kinh tế tư nhân và sự tham gia của kinh tế Nhà nước. Chúng tôi nhận thấy rằng chỉ có Bình Dương mới đi sâu sát nhất khái niệm của TPTM, không chỉ tập trung các yếu tố khoa học công nghệ mà còn mang đến những yếu tố cốt lõi về nhân văn và vai trò của con người.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=563
Quay lên trên