Thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu: Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Cập nhật: 11-05-2024 | 09:03:19

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) như ví điện tử, thẻ ngân hàng là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu được nhiều khách hàng lựa chọn sử dụng. Thế nhưng, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp xăng dầu từ chối nhận chuyển khoản và cà thẻ khiến nhiều khách hàng bức xúc!


Khách hàng cà thẻ thanh toán tiền mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex

Vẫn ưa chuộng tiền mặt

Vội vàng lái xe đến nơi làm việc trong cái nắng trưa gay gắt, chị Từ Mỹ Hoa (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) rẽ vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 17 gặp phải tình cảnh dở khóc dở cười khi xăng đã đổ đầy bình nhưng nhân viên bán hàng nhất quyết không nhận chuyển khoản mà chỉ nhận tiền mặt, trong khi chị Hoa lại không mang theo tiền mặt. Vừa bất ngờ, vừa bức xúc, chị Hoa phải “cầu cứu” những khách hàng xung quanh bằng cách trao đổi tiền mặt và chuyển khoản trả vào tài khoản của họ. Chị Hoa cho rằng việc không nhận chuyển khoản là rất vô lý khi hình thức TTKDTM được Nhà nước khuyến khích và đang được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực.

Tương tự, anh Nguyễn Thành Công (phường Phú Hòa, TP.Dầu Một), chia sẻ đã từng đi 5 cây xăng, từ TP.Dĩ An về TP.Thủ Dầu Một đề nghị đổ xăng trả tiền bằng hình thức quẹt thẻ hoặc chuyển khoản vì không mang theo tiền mặt, nhưng không cây xăng nào chấp nhận. Cuối cùng nhân viên cây xăng số 16, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một cho nợ tiền xăng nhưng giữ lại bằng lái xe mô tô. “TTKDTM rất tiện lợi nhưng không hiểu lý do gì mà những cây xăng này không chấp nhận”, anh Nguyễn Thành Công nói.

Không chỉ 2 trường hợp nêu trên, nhiều người tiêu dùng cũng phản ánh không ít cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng không chấp nhận hình thức TTKDTM. Những ngày qua, một số cửa hàng xăng dầu chủ yếu nhận tiền mặt hoặc chỉ quét mã QR, không nhận chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng hoặc cà thẻ khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình cảnh trớ trêu.

Nhân viên cửa hàng xăng dầu số 17 giải thích rằng, cơ bản do đông khách nên họ muốn thanh toán tiền mặt cho nhanh. Chuyển khoản hay cà thẻ đều mất nhiều thời gian thao tác, phải kiểm tra lại tài khoản tốn thời gian và gián đoạn phục vụ cho khách tiếp theo. Tương tự, nhân viên một số cây xăng tư nhân nhỏ lẻ cho hay, không phải đang làm khó khách hàng mà khi quá đông khách sẽ mất thời gian chờ đợi thanh toán. Đó là chưa kể giờ cao điểm chuyển khoản hay cà thẻ sẽ bị nghẽn mạng, tệ hơn nữa là có khách chuyển hóa đơn giả, nhận tiền mặt cho yên tâm.


Thao tác xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán rất nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng. Trong ảnh: Nhân viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 5 xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng

Vượt qua những khó khăn bước đầu, sau gần 5 tháng triển khai tích cực, quyết liệt từ Cục Thuế tỉnh cùng sự chủ động, ý thức chấp hành pháp luật về thuế, các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng đạt hiệu quả cao. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thay thế, lắp đặt các thiết bị kết nối giữa cột bơm và phần mềm xuất HĐĐT. Theo đó, toàn tỉnh đã có 274/274 cửa hàng đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đạt tỷ lệ 100%. Việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua, đồng thời vẫn bảo đảm doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định, HĐĐT được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Khuyến thích thực hiện

Nhận định về việc không nhận chuyển khoản qua ngân hàng hay cà thẻ, bà Nguyễn Thị Hồng Văn, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế - Cục thuế Bình Dương, cho biết hiện chưa có quy định nào buộc cửa hàng xăng dầu phải nhận chuyển khoản hay tiền mặt khi khách hàng thanh toán. Có thể, chủ các cửa hàng lo ngại việc làm báo cáo phức tạp. Mỗi lần chuyển khoản vào tài khoản công ty, kế toán sẽ phải lập bảng theo dõi tài khoản để phục vụ kiểm toán và công tác sổ sách sau này.

“Nếu mỗi ngày, hàng trăm người chuyển vào tài khoản với giá trị vài chục ngàn đồng/lần, tốn nhiều nguồn lực, công sức. Cũng có thể một số cửa hàng xăng dầu chưa trang bị máy POS (điểm chấp nhận thẻ), bởi đầu tư phải phát sinh các loại phí, trong khi đó quét mã QR cũng có thể thanh toán nhanh. Các cửa hàng xăng dầu tư nhân không mặn mà thanh toán qua thẻ hay chuyển khoản có thể vì những lý do đó”, bà Nguyễn Thị Hồng Văn cho biết.

Đồng quan điểm, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho biết hiện có rất nhiều hình thức TTKDTM. Trong đó, phần lớn người tiêu dùng có xu hướng sử dụng tài khoản QR để thanh toán vừa không bị rơi tiền, vừa an toàn lại không gặp phải tình huống sử dụng tiền giả. Các cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng tiền thông qua các hình thức thanh toán online để quản lý dòng tiền và tránh thất thoát. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào buộc người bán nói chung, các cửa hàng xăng dầu nói riêng phải bán hàng không được nhận tiền mặt hay phải nhận chuyển khoản. Vấn đề này tùy thuộc vào nhận thức mỗi doanh nghiệp.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch bằng máy POS không thu phí người sử dụng hay chủ thẻ. Trong khi đó, các cửa hàng, cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh doanh là người phải trả phí cho ngân hàng - là bên cung ứng dịch vụ. Liên quan đến yếu tố đăng ký trang bị máy POS với ngân hàng, chi phí phát sinh sau mỗi lần thanh toán qua cà, quẹt thẻ POS và chi phí đầu tư cho mỗi chiếc máy từ phía ngân hàng là không ít. Đây cũng chính là điểm nghẽn mà ngành ngân hàng đang tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến độ TTKDTM trong giai đoạn hiện nay.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=805
Quay lên trên